Chủ Nhật, 22/12/2024 14:10:08



Khó khăn đã vơi, nhưng gánh nặng chi phí với doanh nghiệp vẫn lớn

06/06/2024 07:40:15

Số lượt xem: 248


Gửi tới lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho biết nhiều khó khăn cũ đã vơi, nhưng không phải tất cả.

Khó khăn đã vơi, nhưng gánh nặng chi phí với doanh nghiệp vẫn lớn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tưTrần Duy Đông chủ trì cuộc họp với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kiến nghị, giải pháp. Ảnh Đức Trung

Đơn hàng tích cực, nhưng không hẳn lạc quan

Trao đổi tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 3/6, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, đơn hàng khá dồi dào, đơn giá đã tăng dần.

 

 “Tín hiệu tích cực, nhưng không hẳn hoàn toàn lạc quan. Mục tiêu 44 tỷ USD xuất khẩu của ngành dệt may sẽ rất khó khăn để đạt được”, ông Cẩm chia sẻ thông tin.

Như vậy, khó khăn lớn nhất của năm 2023 là đơn hàng với ngành dệt may đã qua, hiện tại, các doanh nghiệp lại gặp thách thức lớn trong vấn đề tuyển dụng lao động, chất lượng lao động trong lĩnh vực dệt, sợi.

“Chúng tôi kiến nghị triển khai hiệu quả gói 120.000 tỷ đồng cho người lao động vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Người công nhân có nhà ở gần nơi làm việc, họ mới gắn bó. Hiện tại, người lao động chủ yếu thuê nhà, con cái gửi ở quên, nên nếu có vấn đề gì, họ chuyển dịch rất nhanh”, ông Cẩm kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải pháp dài hạn để giữ chân lao động.

Cùng với đề xuất này, ông đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy hoạch, xây dựng tổ hợp công nghiệp dệt may, da giày, để đáp ứng các tiêu chí ngày càng khăt khé hơn về nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, ông Cẩm kiến nghị dành khoản tiền 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp sau Covid-19 của Chương trình phục hồi cho các doanh nghiệp vay chuyển đổi xanh.

Lo ngại mất đơn hàng truyền thống

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cũng chia sẻ thông tin tích cực, khi 4 tháng đầu năm, tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành điện tử là dương, thay vì âm như cùng kỳ năm 2023. Ngành điện, điện tử tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu, 39,6 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, xuất siêu 5 tỷ USD.

 

 

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA). Ảnh: Đức Trung

 

Tuy nhiên, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Hương nói: “Khá nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng truyền thống trong bối cảnh suy giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Các doanh nghiệp điện tử có đơn hàng gia công truyền thống bị giảm từ 50-80%, có doanh nghiệp phải đóng cửa bộ phận sản xuất họ đã có đơn hàng gia công trong 5-7 năm qua”.

Dù vậy, doanh nghiệp đang tìm đơn hàng mới, dù khá bấp bênh. Doanh nghiệp điện tử Việt tham gia vào chuỗi cung ứng khó khăn, do máy móc, công nghệ yếu. Doanh nghiệp FDI trong chuỗi thường được ưu tiên hơn trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI.

Bà Hương tiếp tục đề xuất tiếp tục thực hiện quy định về xuất khẩu tại chỗ, tiếp tục làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ thực hiện bình thường với hoạt động mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài (có hiện diện hoặc không hiện diện tại Việt Nam) và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với một doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

“Thông tin từ Tổng cục Hải quan là sẽ có những thay đổi về thủ tục xuất khẩu tại chỗ. Chúng tôi kiến nghị có cuộc làm việc riêng về nội dung này”, bà Hương đề xuất.

Hiện tại, Bộ  Tài chính đề xuất phương án bãi bỏ điểm c, khoản 1, Điều 35, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.  Cụ thể là, không thực hiện thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 35, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam).

Cùng với đó, bà Hương đề xuất chương trình riêng đào tạo, dặc biệt là đào tạo lại, nâng cấp lao động trong ngành điện tử để tiếp cận với công nghiệp bán dẫn.

Đào tạo lại, khai thác nguồn lao động trong ngành điện tử hiện có sẽ ngắn hơn, kịp thời tận dụng cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn hơn là đạo tạo mới, bà Hương đề xuất...

Đặc biệt, nhiều hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư các kiến nghị liên quan đến gánh nặng chi phí, từ chi phí logistics, khó khăn trong thuê container... của doanh nghiệp xuất khẩu đến các khó khăn trong tiếp cận vốn, mặt bằng... 

(Nguồn: vcci.com.vn)



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang