Thứ Sáu, 04/04/2025 07:19:51
Số lượt xem: 126
Diễn biến các chỉ tiêu thống kê trong 2 tháng đầu năm 2025 cho thấy mặc dù có cải thiện so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng về mục tiêu tăng trưởng GDP 8%.
Chỉ số PMI vẫn dưới ngưỡng 50 điểm
Chứng khoán Rồng Việt vừa công bố Báo cáo Cập nhật vĩ mô tháng 3/2026.
Theo đó, hoạt động sản xuất suy giảm trong 2 tháng đầu năm 2025 theo thước đo PMI nhưng phục hồi nhẹ dựa trên mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp. Trong đó, hoạt động sản xuất điện tăng trưởng không tương ứng với tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Chỉ số PMI sản xuất tháng 2 của Việt Nam đạt 49,2 điểm, tăng nhẹ so với 48,9 điểm của tháng 1 nhưng vẫn dưới ngưỡng 50 điểm, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp ngành sản xuất suy giảm. Sự suy giảm dàn trải ở các thang đo, duy chỉ có kỳ vọng về sản lượng tương lai cải thiện lên mức cao nhất trong 8 tháng.
Sự yếu kém vào thời điểm đầu năm của ngành sản xuất Việt Nam đi ngược với xu hướng cải thiện của hoạt động sản xuất khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Báo cáo Cập nhật vĩ mô tháng 3/2026.
Theo khảo sát của S&P Global, thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài tháng thứ 2 liên tiếp với lý do thiếu phương tiện vận tải và chi phí vận chuyển tăng. Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, quy định mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ khiến năng lực cung ứng dịch vụ vận tải giảm 20-30%, cước phí vận tải tăng 20-25% kéo theo chi phí logistic tăng 10-11%.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,2%, cao hơn mức tăng 5,7% của cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 9,5% của Chính phủ.
Chỉ số sản xuất ngành điện 2 tháng đầu năm 2025 cũng chỉ tăng 2,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,2% của cùng kỳ năm trước và thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của ngành điện trong Qúy I/2025 là 10,9%.
Thặng dư thương mại đạt chưa đầy 5% mục tiêu cả năm
Một điểm sáng được Báo cáo đề cập là tăng trưởng bán lẻ dịch vụ cho thấy xu hướng tích cực hơn so với bán lẻ hàng hoá; áp lực lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên câu chuyện thặng dư thương mại là vấn đề đáng chú ý.
2 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng 12% so với cùng kỳ, tuy nhiên, xuất khẩu chỉ tăng 8,4%, nhập khẩu tăng 15,9% khiến cho thặng dư thương mại 2T2025 chỉ đạt 1,5 tỷ $ (~5% mục tiêu thặng dư thương mại cả năm 2025).
Báo cáo cũng đánh giá Hoa Kỳ vẫn là thị trường tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam trong 2 tháng năm 2025 và nhập khẩu hàng hoá tại các cảng Hoa Kỳ dự kiến vẫn tăng trưởng cho đến tháng 06/2025. Việt Nam hướng đến cân bằng thương mại để tránh rủi ro chính sách trước áp lực gia tăng từ phía Hoa Kỳ.
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm
Báo cáo cũng đưa ra bức tranh đầu tư của doanh nghiệp FDI và khu vực đầu tư công. Theo đó, doanh nghiệp FDI hiện hữu tăng cường mở rộng đầu tư, trong khi giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm so với yêu cầu.
Trong 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam thu hút gần 6,9 tỷ USD vốn FDI đăng ký , tăng 35,5% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm là 4,18 tỷ USD, gấp 6 lần cùng kỳ. Trung Quốc dẫn đầu về số dự án và vốn đăng ký (~679,9 triệu USD, chiếm 31% tổng vốn đăng ký mới). Giải ngân vốn FDI ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, theo ước tính của Cục Thống kê, giải ngân vốn ngân sách nhà nước tăng 21,7% so với cùng kỳ, nhưng mới chỉ đạt 8,5% kế hoạch năm, cho thấy tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu.
Để đảm bảo mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch cả năm, Thủ tướng đã chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về tiến độ giải ngân, đồng thời thành lập 7 Tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai.
Điểm sáng: Thanh khoản bảo đảm, kiểm soát biến động lãi suất và tỷ giá tích cực
Một tín hiệu tích cực trong bức tranh kinh tế được Công ty Chứng khoán Rồng Việt đưa vào là Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẵn sàng bổ sung thanh khoản cho hệ thống, kiểm soát biến động lãi suất và tỷ giá tích cực trong các tháng đầu năm.
Trong tháng 2/2025, NHNN hút ròng 41,1 nghìn tỷ đồng chủ yếu qua kênh cầm cố đáo hạn. Đến ngày 04/03, lãi suất tín phiếu giảm 90bps so với đầu tháng 2/2025 xuống 3,1%/năm. Tại ngày 10/03/2025, quy mô đang lưu hành của kênh cầm cố là khoảng 80 nghìn tỷ đồng, trong khi lượng tín phiếu đang lưu hành chỉ còn 1 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, từ ngày 05/03, NHNN dừng phát hành tín phiếu và chào thầu ở kênh cầm cố với kỳ hạn dài hơn (35 ngày và 91 ngày), lãi suất đều ở mức 4,0%, phản ánh định hướng sẵn sàng bổ sung thanh khoản cho hệ thống. Hiện tại, diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn tương đối ổn định và thanh khoản không bị thiếu hụt.
Về lãi suất, Báo cáo cho biết, lãi suất cho vay qua đêm VND biến động mạnh trong tháng 2/2025 và đầu tháng 03/2025 nhưng dần ổn định trở lại ở mức 3,88%/năm tại ngày 07/03, chênh lệch lãi suất USD-VND duy trì 41 bps.
Mặt bằng lãi suất huy động không có biến động lớn trong 2 tháng đầu năm. Từ 25/02, nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động theo sau chỉ đạo NHNN, trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng thuộc Tier 2* (gồm có EIB, VIB, HDB, Nam A Bank và TPB) giảm nhiều nhất (16 điểm cơ bản so với cuối năm 2024).
Chỉ số DXY ghi nhận nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 2, giảm còn 103,6 tại ngày 10/03, thấp hơn 4,5% so với đầu năm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành tỷ giá của NHNN.
“NHNN đã áp dụng cách điều hành tỷ giá linh hoạt hơn thông qua việc điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm đồng thời thay đổi giá mua-bán USD tại Sở giao dịch. Tỷ giá trung tâm tăng 1,7% so với cuối năm 2024 nhưng tiền đồng trên thị trường chính thức và tự do mất giá không đáng kể trong biên độ từ 0,1-0,6% trong giai đoạn vừa qua. ..”- Báo cáo đánh giá.
Thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch
“Diễn biến các chỉ tiêu thống kê trong 2 tháng đầu năm 2025 mặc dù có cải thiện so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng về mục tiêu tăng trưởng GDP 8%…”- Báo cáo đánh giá.
Theo các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt, tăng trưởng kinh tế Qúy I/2025 vẫn được hưởng lợi từ mức nền thấp của cùng kỳ, do đó, việc các hoạt động kinh tế cải thiện trong tháng 3 sẽ giúp cho tăng trưởng Qúy I đạt khoảng 7,3-7,5%, thấp hơn mục tiêu đặt ra là 7,7%.
“Dù vậy, chúng tôi cho rằng sẽ khá thách thức để đạt được mức tăng trưởng 8,0-8,2% trong các quý tiếp theo…”- Chuyên gia chứng khoán Rồng Việt nhận định.
(Nguồn: vcci.com.vn)