Thứ Sáu, 03/01/2025 03:18:47



Bộ Công Thương đang đánh giá tác động của sàn thương mại điện tử Temu

01/11/2024 07:55:06

Số lượt xem: 112


Trong khi Indonesia đã cấm sàn Temu hoạt động thì hiện Temu đang bán hàng tại Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động.

Bộ Công Thương đang đánh giá tác động của sàn thương mại điện tử Temu
Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động của sàn Temu đến thị trường Việt Nam

Chiều 23/10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý 3. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trả lời câu hỏi liên quan tới việc quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt gần đây là sự xuất hiện của sàn Temu.

Đánh giá tác động sàn Temu

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay: Theo quy định của Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử thì các sàn giao dịch thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.

Đối với sàn Temu hiện đang bán hàng tại Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử, trong khi Indonesia đã cấm sàn này, hay một số nước quan ngại sàn này, ông Tân thông tin: Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động.

"Bộ Công Thương sẽ triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử. Về giá cả, tôi cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ, nhưng phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, vì chưa thể khẳng định giá đó thật hay không. Trước hết phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường", ông Tân nói và cho hay sẽ có thông tin về kết quả và có giải pháp để kiểm soát phù hợp.

Đánh giá kỹ lưỡng, tìm đúng nguyên nhân

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, riêng kênh thương mại điện tử hiện đang nổi lên, có ưu thế hơn, cần phải có giải pháp đặc thù hơn để xử lý và Bộ Công Thương không phân biệt hàng hóa nhập khẩu qua kênh truyền thống hay kênh thương mại điện tử đều phải có đánh giá kỹ tác động. 

Ông Tân nhìn nhận hàng hóa trên thương mại điện tử hiện nay có giá rất thấp, "ít tiền". Tuy nhiên, cùng với mức giá thì các vấn đề như mẫu mã, quy cách, thương hiệu, chất lượng cũng cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trên cùng một phân khúc. Từ đó xác định hàng hóa đó có gian lận, có phải là hàng giả, hàng nhái hay phá giá thị trường để có biện pháp quản lý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng cần bình tĩnh trước thực trạng trên để đánh giá kỹ lưỡng, tìm đúng nguyên nhân. Trường hợp là hàng giả, hàng nhái cần phải ngăn chặn không cho lưu thông; nếu là hàng phá giá, phải xử lý theo quy định phá giá thị trường. Còn nếu doanh nghiệp làm thật, tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh, thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường.

"Lúc đó có thể tính tới việc tạo hành lang về quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Cùng đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản xuất trong nước, rà soát các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa. Hiện nay, Bộ Công Thương đã có đề án chung về các vấn đề này và đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước", ông Tân khẳng định.

63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online

Về lĩnh vực thương mại điện tử, trong 9 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 2.207 vụ, phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, chuyển Cơ quan điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; xử phạt vi phạm hành chính gần gần 35,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 29,4 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online.

Trong đó, vụ việc điển hình là vào đầu tháng 10 khi Tổ thương mại điện tử thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green do TikToker Phan Thủy Tiên với hơn 4 triệu lượt theo dõi thường xuyên livestream bán trên sàn thương mại điện tử TikTok, Facebook. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa với các nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 15/10, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã ký công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm theo danh sách 600 website đã được Tổng cục Quản lý thị trường cung cấp tới 63 Cục Quản lý thị trường địa phương; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm theo quy định của Luật (nếu có)…

Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước sẽ tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động của các tài khoản xác định có dấu hiệu vi phạm, lập vi bằng làm căn cứ; phối hợp với các lực lượng chức năng, chủ các sàn giao dịch để có thể xác định được chính xác địa chỉ thực tế và đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định.

Sau khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm tại địa bàn nào thì chỉ đạo cho đội địa bàn đó thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, xử lý để đạt hiệu quả tối ưu nhất

Ngoải ra, tập trung nghiên cứu để làm chủ được công nghệ và có những chia sẻ dữ liệu lớn giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để tạo ra các công cụ kỹ thuật đủ mạnh để có thể phân tích, đánh giá, tính toán giám sát các hoạt động thương mại điện tử cũng như phối hợp các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.

Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings (công ty mẹ của Pinduoduo, một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.

Trang web Temu này kết nối người tiêu dùng, chủ yếu ở Mỹ, với các nhà sản xuất ở Trung Quốc, cho phép họ mua sản phẩm với mức giá thấp nhất.

Pinduoduo, công ty mẹ của Temu, có hơn 730 triệu người mua tích cực vào năm 2022, khiến nó trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Temu được hưởng lợi từ mạng lưới rộng lớn này, tận dụng chuỗi cung ứng hiện có của mình để cung cấp mức giá thấp cho người mua hàng quốc tế.

Một trong những lý do chính khiến Temu có thể đưa ra mức giá cực kỳ thấp là cách tiếp cận độc đáo nhằm trợ cấp chi phí vận chuyển. Không giống như nhiều nền tảng thương mại điện tử khác, Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng của mình, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Điều này cho phép người mua được hưởng mức giá thấp mà không có phí ẩn, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Temu hiện là nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ hai thế giới với 662,5 triệu lượt truy cập trung bình hàng tháng trong quý 3, đứng sau Amazon với 2,7 tỷ lượt truy cập.

 (Nguồn: Chinhphu.vn)



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang