Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng với đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm; hỗ trợ thêm các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 với mức lương thấp;…
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh Quochoi.vn
Chiều 17/10, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/10/2022. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 21 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 15/11/2022).
Tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/ 1 tháng (tăng khoảng 20,8%)
Trả lời về việc tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết: Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%);
Tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng với đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm;
Hỗ trợ thêm các đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 với mức lương thấp;
Tăng chi trợ cấp ưu đãi đối với người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở...
Việc điều chỉnh này thực hiện từ ngày 1/7/2023.
Đồng thời, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ dự phòng và y tế cơ sở thực hiện từ ngày 1/1/2023.
Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, việc tăng lương cơ sở dựa trên nhiều ý tố. Trong đó có tính toán theo thang bảng lương, phụ cấp nghề, các quy định khác tại Nghị định 38/2019 của Chính phủ.
Theo đó, phải tính các mức, khoản sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích, các chế độ khác và cần tính toán chỉ tiêu lạm phát theo các năm để làm căn cứ xác định, đảm bảo cuộc sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
“Việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn của các cơ quan, được đề xuất và tính toán các điều kiện cần thiết để tăng. Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan chức năng sẽ tính toán, để xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương”, ông Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng lưu ý, đây là vấn đề rất lớn, trong đó có thách thức liên quan đến nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, nhất là khi đất nước vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với dịch COVID-19 và mới bắt đầu phục hồi kinh tế.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường: Tăng lương cơ sở trước, tiếp đó là có lộ trình cải cách tiền lương. Ảnh Quochoi.vn
Tăng lương cơ sở trước, tiếp đó là có lộ trình cải cách tiền lương
Thông tin thêm về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII đã xác định lộ trình cải cách tiền lương.
Song trong 2 năm qua dưới tác động hết sức nặng nề của đại dịch COVID-19, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cũng phải chia sẻ với Đảng, Nhà nước khi chưa được tăng lương, dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Hiện nay khi tình hình kinh tế dần phục hồi, tốc độ tăng trưởng có nhiều dấu hiệu khả quan, do đó có thể tính đến việc tăng lương cơ sở trước, tiếp đó là có lộ trình để cải cách tiền lương. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn ngân sách, nguồn lực quốc gia.
“Trả lương cho công chức cũng là đầu tư cho phát triển nhưng nếu không có những thúc đẩy khác thì rất khó.
Chúng ta đầu tư cho phát triển để trên cơ sở đó tăng mức thu tiền thuế, có ngân sách tốt thì sẽ có lộ trình cải cách tiền lương”, ông Bùi Văn Cường nói./.
Nguồn: Chinhphu.vn