Chủ Nhật, 22/12/2024 11:51:27



'Phanh' lãi suất, 'siết' tín dụng trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản

23/12/2022 16:45:53

Số lượt xem: 6


Kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

'Phanh' lãi suất, 'siết' tín dụng trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản
Ảnh minh hoạ

Ngày 22/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về công tác tín dụng, lãi suất trong thời gian tới.

 

Văn bản nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến của thị trường và tình hình tăng trưởng tín dụng, lãi suất của hệ thống tổ chức tín dụng trong thời gian gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện một số nội dung sau:

 

Tập trung cấp tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên

 

Trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đã thông báo, tổ chức tín dụng chủ động cần đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn. 

 

Tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghề cao); các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.

 

Kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

 

NHNN sẽ xử lý các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất

 

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

 

Thống đốc Ngân hàng nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Ngân hàng nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.

 

Vì sao NHNN phải khống chế lãi suất tiền gửi?

 

Ngày 23/12, liên quan đến lãi suất ngân hàng, trao đổi trên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng, hiện nay các ngân hàng thương mại đồng thuận giữ mức lãi suất tiền gửi tối đa không quá 9,5%/năm, cũng như đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có ý nghĩa rất lớn.

 

Theo ông Lệnh, việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương trong thời gian qua là cần thiết, để kìm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp xu hướng và diễn biến của thị trường tiền tệ thế giới.

 

Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Trong điều kiện đó, việc sử dụng các giải pháp hành chính như: Cải cách hành chính, giảm chi phí giao dịch, thời gian giao dịch cho khách hàng và đặc biệt đồng thuận giảm lãi suất hoặc không tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại sẽ nhằm trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp và góp phần quan trọng trong hỗ trợ chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương.

 

Bên cạnh đó, sự đồng thuận trong việc giữ ổn định lãi suất hoặc không tăng lãi suất, cũng như điều chỉnh giảm lãi suất của một số ngân hàng thương mại sẽ củng cố và gắn kết hơn mối quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng.

 

Sự gắn kết này sẽ mang lại giá trị to lớn cho sự phát triển của chính các ngân hàng thương mại, bởi khi doanh nghiệp được hỗ trợ, được chia sẻ, sẽ phục hồi và tăng trưởng, điều này có tác động tích cực đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, mở rộng các hoạt động dịch vụ ngân hàng.

 

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho rằng, khi nhiều nền kinh tế, khu vực kinh tế gặp khó khăn, lạm phát tăng và suy giảm kinh tế có tác động ảnh hưởng nhất định đến kinh tế trong nước. 

 

Trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội đã tạo áp lực không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương, đến chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ với yêu cầu phải đạt được mục tiêu kép là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

 

Trong bối cảnh lãi suất tăng, yêu cầu về hỗ trợ doanh nghiệp càng trở nên cần thiết. Vì vậy, ngoài việc sử dụng các công cụ tài chính tiền tệ, các công cụ thị trường, thì việc sử dụng các biện pháp hành chính hợp lý cũng rất quan trọng và ý nghĩa, nếu thực hiện tốt hiệu quả không chỉ ngắn hạn mà còn mang lại những cơ sở nền tảng tốt trong trung dài hạn trên nhiều phương diện khác nhau.

 

"Hiệu ứng và tác động của sự đồng thuận này mang tính hỗ trợ và ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt, thực hiện trách nhiệm thì hiệu quả mang lại là không nhỏ. Kết quả của việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng sự đồng thuận giữ ổn định lãi suất, giảm lãi suất cho doanh nghiệp tiếp tục tạo lập và củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của người dân đối với ngành ngân hàng", ông Lệnh bày tỏ.

 

Động thái kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động, giảm lãi suất vay có ý nghĩa rất thiết thực

 

Trao đổi trên Thời báo Ngân hàng, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, động thái kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động của các ngân hàng không quá 9,5%/năm và giảm lãi suất cho vay có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là trong giai đoạn cuối năm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh.

 

Mặc dù các ngân hàng cũng đang đối mặt với không ít khó khăn như chi phí vốn tăng cao, rủi ro nợ xấu... nhưng vẫn tiết giảm hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, cho thấy các ngân hàng rất trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngay từ đầu năm các ngân hàng đã rất cố gắng để tốc độ tăng lãi suất cho vay chậm hơn lãi suất huy động.

 

Điểm tích cực nữa, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, đó là Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát diễn biến thị trường nên có giải pháp phù hợp mang tính thị trường, thưởng - phạt rất công bằng, phân minh.

 

Chẳng hạn, khi phân bổ room tăng trưởng tín dụng, NHNN "chấm điểm" cao đối với những ngân hàng ứng xử phù hợp với lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay cộng ...

 

"Cách thức điều hành này cũng tạo động lực để các ngân hàng ứng xử có trách nhiệm hơn với khách hàng, nền kinh tế", TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.

 

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Bùi Thúy Hằng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp thiết thực giúp giảm áp lực thanh khoản lên các Ngân hàng Thương mại trong những ngày cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2023 như tăng kỳ hạn cho các khoản vay cầm cố giấy tờ có giá trên OMO lên 91 ngày, thay vì chỉ 14 ngày như những phiên giao dịch trước đó; đồng thời bổ sung thêm một loạt giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước...

 

"Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức tín dụng, dựa trên các đề xuất của các tổ chức tín dụng để xây dựng cơ chế kênh tái cấp vốn", bà Bùi Thúy Hằng chia sẻ.

 

Nguồn: baochinhphu.vn



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang