Thứ Hai, 30/12/2024 23:11:00
Số lượt xem: 126
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đang lấy ý kiến đóng góp xây dựng và hoàn thiện dự thảo Báo cáo cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam.
Qua tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp và các hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo phản ánh khá toàn diện nội dung Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; trong đó nhận diện chính xác những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai và thực thi nghị quyết này; đồng thời, đưa ra những kiến nghị hữu ích cho các cơ quan soạn thảo chính sách khi xây dựng các chính sách dài hơi tiếp theo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI cho hay, nên chỉnh sửa các nội dung về đánh giá kết quả giữa kỳ Chương trình Cải cách quy định 2020 - 2025 của Việt Nam.
Theo đó, dự thảo báo cáo ghi nhận, giai đoạn 2020 - 2023, "thông tư và nghị định là những công cụ được sử dụng nhiều nhất, chiếm 31 và 66% tổng số. Điều này được mong đợi vì hầu hết những thay đổi đều liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành”. Trên thực tế, để thực hiện Nghị quyết 68, các bộ, ngành sẽ xây dựng các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh trong lĩnh vực quản lý. Báo cáo đưa ra con số 31 và 66% thông tư, nghị định được sửa đổi và cho rằng “điều này được mong đợi vì hầu hết những thay đổi đều liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành”. Theo VCCI, đây là nhận định chưa có tính phát hiện, bởi vì hiện thực hóa các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thì 100% đều là sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành.
Tỷ lệ 97% văn bản được sửa đổi là ở cấp thông tư, nghị định có thể cho thấy, những sửa đổi chính ở các văn bản ở cấp thi hành, áp dụng trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh, vì vậy khi sửa đổi các quy định ở cấp văn bản này thì sẽ áp dụng ngay trong thực tế mà không cần phải chờ văn bản hướng dẫn. Mặt khác, tỷ lệ trên có thể thấy rằng các đề xuất sửa đổi ở cấp luật chỉ chiếm chưa đến 3%, cũng có thể đưa đến quan ngại. Đó là, có nhiều trường hợp vướng mắc, bất cập, cản trở xuất phát từ quy định của luật. Nghị định, thông tư có muốn cải cách hay cắt giảm sẽ chịu ràng buộc ở quy định luật, không thể vượt quá. Vì vậy, VCCI thấy rằng, nếu không sửa đổi ở luật thì trong một vài trường hợp việc đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa sẽ không có tính đột phá.
Theo quan sát của VCCI, trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến thủ tục hành chính, các đề xuất chủ yếu là: bãi bỏ yêu cầu phải cung cấp các loại giấy tờ trong hồ sơ thực hiện thủ tục mà cơ quan giải quyết thủ tục có thể tra cứu trong hệ thống dữ liệu thông tin của Nhà nước (loại tài liệu được bãi bỏ nhiều nhất là yêu cầu phải cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp); giảm số lượng hồ sơ; giảm số ngày thực hiện thủ tục; bổ sung thêm phương thức thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử. Về cơ bản những đề xuất này sẽ tạo thuận lợi phần nào cho các đối tượng thực hiện thủ tục, tuy nhiên chưa thực sự có tính đột phá, cải cách. Doanh nghiệp không chỉ kỳ vọng cắt bỏ, đơn giản hóa về điều kiện đầu tư kinh doanh, mà ngay trong các quy định về thủ tục hành chính cũng cần có những quy định có tính cải cách mạnh hơn, như: cần phải bỏ thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích thay vì đề xuất đơn giản hóa theo hướng giảm thời gian xem xét thời hạn hợp lệ của hồ sơ từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc và bổ sung thêm hình thức thực hiện thủ tục theo hình thức trực tuyến...
Liên quan tới nội dung đánh giá giữa kỳ của Chương trình Cải cách quy định 2020-2025 của Việt Nam, dự thảo báo cáo có nhận định “đặc biệt, Điều 7 Luật Đầu tư dẫn chiếu đến Phụ lục IV với danh sách 227 “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” bị hạn chế và phải được cấp phép trước”. Ông Tuấn cho biết, nhận định này dường như chưa thật chính xác. Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư được quản lý theo hình thức cấp phép trước hoặc không cần phải cấp phép, chỉ cần đáp ứng điều kiện kinh doanh. Không phải ngành nghề nào cũng phải xin cấp phép trước rồi mới được phép hoạt động. Cụ thể như ngành nghề “kinh doanh bất động sản” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng ở một số “ngành con” các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nghề này không phải xin giấy phép kinh doanh, chỉ phải đáp ứng điều kiện khi thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản.
Đại diện VCCI, ông Tuấn kiến nghị làm rõ nội dung: "phát triển các chiến lược quản lý có xem xét song song các biện pháp kiểm soát trước và sau (kiểm tra). Điều này sẽ đảm bảo một cách tiếp cận chặt chẽ đối với quy định kinh doanh, theo đó các hoạt động kinh tế được xử lý nhất quán dựa trên những rủi ro mà chúng gây ra cho các mục tiêu của cơ quan quản lý...". Kiến nghị này có được hiểu, đối với các hoạt động rủi ro thấp, cơ quan Nhà nước sẽ không tiến hành kiểm tra trước (áp dụng cơ chế tiền kiểm) và áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với các hoạt động kinh doanh này? Hay như nội dung: ”làm rõ danh mục hoạt động kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư”. Vì hiện nay việc xem xét điều kiện kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là khá rõ ràng và Luật Đầu tư đã yêu cầu công bố công khai. Các điều kiện kinh doanh quy định cụ thể ở pháp luật chuyên ngành chứ không phải là trong Luật Đầu tư. Do vậy, nhận định việc xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư theo hướng áp dụng phân loại các hoạt động kinh tế chuẩn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người quản lý doanh nghiệp kiểm tra các yêu cầu cấp phép áp dụng cho các hoạt động kinh tế này”, dường như là chưa thực sự phù hợp.
(Nguồn: vcci.com.vn)