Thủ tướng nhấn mạnh trong lúc người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".
Cần tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách đã ban hành, đồng thời xem xét, nghiên cứu ban hành các chính sách mới đột phá, đưa các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, các thị trường có thêm nguồn lực, động lực để phát triển, tăng cả tổng cầu, tổng cung, góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các văn bản, chỉ đạo đã ban hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý; chủ trì tổ chức thực hiện, đồng thời kiểm tra giám sát việc thực thi đảm bảo cụ thể, "việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành" đối với thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Theo đó, đối với thị trường tài chính: Hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và an toàn hệ thống; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giảm sát thực hiện chính sách theo quy định pháp luật, hạn chế rủi ro, không để lạm dụng, trục lợi, thất thoát, vi phạm pháp luật; nhất là việc giảm lãi suất huy động và cho vay, bảo đảm cân đối, hài hoà giữa tỉ giá và lãi suất, giữa lãi suất và lạm phát, tăng khả năng tiếp cận vốn, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Điều quan trọng là phải đưa ra các công cụ, cách thức, phương pháp để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có điều kiện, khả năng thanh toán cho các trái chủ theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường niềm tin của thị trường.
Bộ Tài chính cần phát huy vai trò chủ động hơn nữa, thảo luận với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái chủ để tìm ra tiếng nói chung, giải pháp chung trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.
Đối với thị trường bất động sản: Ngoài tháo gỡ về pháp lý, cần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để hoàn thành các công trình, dự án đưa các sản phẩm vào thị trường.
Cùng với đó, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, làm tốt công tác quy hoạch. Doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại các phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.
Triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh trục lợi, tiêu cực.
Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế.
Do đó, các ngân hàng này cần tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường, tạo động lực, truyền cảm hứng cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển; tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, quản trị, tăng cường chuyển đổi số…; giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.
Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá tác động và đề xuất phương án với việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Sớm rà soát điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng để có đề xuất điều chỉnh phù hợp; kịp thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ kiên định, nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng.
Khẩn trương xem xét sử dụng kịp thời công cụ cho vay tái cấp vốn, lãi suất điều hành phù hợp
Liên quan đến vấn đề tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp,... ngày 22/4/2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với tập thể Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có việc xây dựng các Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại Thông báo số 149/TB-VPCP kết luận cuộc họp trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội;
Tìm điểm cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa lãi suất và tỷ giá... để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là ưu tiên cung cấp vốn tín dụng, hỗ trợ thanh khoản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững;
Khẩn trương xem xét sử dụng kịp thời công cụ cho vay tái cấp vốn, lãi suất điều hành phù hợp và chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, đời sống của người dân.
Khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó có nhiệm vụ xem xét theo thẩm quyền khẩn trương điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tích cực, khẩn trương tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân;
Kịp thời phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Bộ Xây dựng về cách thức, phương thức tổ chức triển khai thực hiện tích cực, khẩn trương đồng bộ, hiệu quả, khả thi, kịp thời.
Khẩn trương cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, Ngân hàng SCB
Tích cực, khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) theo đúng trình tự, thủ tục, không để chậm trễ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng quy định, không để xảy ra rủi ro, thất thoát tài sản nhà nước, trục lợi chính sách và vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần lành mạnh hóa và hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhất là về lãi suất, qua đó tạo thuận lợi hạ mặt bằng lãi suất.
Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng để báo cáo Quốc hội theo quy định, theo đó tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá và xác định các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, các quy định không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, bổ sung, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và nhất là góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khẩn trương kiện toàn ngay bộ máy tổ chức và nhân sự lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng
Thông báo nêu rõ, khẩn trương kiện toàn ngay bộ máy tổ chức và nhân sự lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để chậm trễ hơn nữa.
Đồng thời khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại; xem xét điều chỉnh vốn sang các chương trình khác để bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu NHNN ban hành ngay 2 Thông tư trong ngày 23/4/2023
Việc xây dựng và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức Thông tư thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải tích cực, chủ động thực hiện theo tinh thần đã chỉ đạo nhiều lần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không chậm trễ nữa, cần ban hành ngay trong ngày 23/4/2023:
a) Đối với việc xây dựng Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn, hoãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp:
Trên cơ sở thống nhất ý kiến của các đại biểu dự họp và ý kiến phát biểu đầy đủ đồng thuận của tập thể Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong cuộc họp, thực hiện theo hướng xem xét mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng là một trong những động lực tăng trưởng và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn hiện nay; thời hạn cơ cấu lại nợ xem xét kéo dài đến tháng 6 năm 2024; nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân là bên vay vượt qua khó khăn hiện nay (như chúng ta đã từng làm trong thời kỳ phòng chống dịch COVID-19);
Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, không để lạm dụng, trục lợi chính sách, thất thoát, vi phạm pháp luật.
Thống nhất ý kiến của tập thể Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Chính phủ về việc đề xuất chủ trương bổ sung đối tượng cơ cấu nợ và thời gian thực hiện cơ cấu nợ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương đề xuất và báo cáo Chính phủ trong ngày 22/4/2023.
b) Đối với việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Trên cơ sở ý kiến thống nhất cao của các Bộ, ngành và tập thể Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trước mắt xem xét cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục được mua trái phiếu doanh nghiệp để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay (ban hành trong ngày 23/4/2023).
Đối với các nội dung khác còn ý kiến khác nhau, khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung theo hướng xem xét thuận lợi hơn cho việc thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, góp phần tạo ra kênh huy động vốn hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững cho nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, công việc nêu trên./.
Theo baochinhphu