Thứ Bẩy, 21/12/2024 19:34:21



Nhập khẩu thép tăng kỷ lục, Việt Nam phải làm gì?

17/07/2024 07:39:48

Số lượt xem: 3


6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép vào Việt Nam cao nhất trong lịch sử, hiện hữu nguy cơ mất thị trường nội địa.

Nhập khẩu thép tăng kỷ lục, Việt Nam phải làm gì?
Ảnh minh họa

Quan ngại với thép nhập khẩu từ Trung Quốc

Báo cáo mới nhất từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 8,2 triệu tấn thép (tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng giá trị gần 6 tỷ USD (tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Số nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép là hơn 3,03 tỷ USD, tăng 24,8%.

Còn báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép với quy mô sản xuất có thể đạt đến 30 triệu tấn trong năm 2024. Tuy nhiên, ngành thép hiện đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giá nguyên liệu tăng, tồn kho lớn… Và điều đáng lo ngại của ngành thép Việt là đang có nguy cơ bị mất thị trường nội địa do thép nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu thép vào Việt Nam. Trong năm 2023, lượng sắt thép của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, tương đương hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 62% trong tổng lượng và chiếm 54% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của nước ta.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Thép Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép hơn 5,4 triệu tấn, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc 3,7 triệu tấn, chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu.

Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thép, với khoảng 500 nhà máy thép các loại, tổng công suất khoảng 1,17 tỷ tấn thép/năm vào năm 2023. Do nguồn cung thép lớn hơn nhiều so với nhu cầu trong nước, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã bắt đầu bán phá giá thép ở thị trường nước ngoài. Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi làn sóng xuất khẩu thép của Trung Quốc.

 

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, xu hướng nhập khẩu thép Trung Quốc tăng mạnh vừa qua xuất phát từ nguyên nhân kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản nguội lạnh khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu đi. Khi đó Trung Quốc sẽ gia tăng xuất khẩu thép ra nước ngoài. Hiện, Trung Quốc chiếm hơn 1/2 sản thép của thế giới nên chỉ cần thay đổi chiến lược tăng xuất khẩu ra nước ngoài cũng gây nhiều áp lực lên các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Ngay như ở sản phẩm thép không gỉ mà Việt Nam đang áp thuế chống bán phá giá thì Việt Nam đang là 1 trong 10 quốc gia xuất khẩu thép không gỉ lớn nhất của Trung Quốc. Hàng năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 250.000 tấn thép không gỉ, trong đó các doanh nghiệp nội địa bán khoảng hơn 115.000 tấn (khoảng 45%), nhập khẩu 135.000 tấn (khoảng 55%). Trong khi đó, công suất của chỉ riêng 4 nhà sản xuất hàng đầu tại Việt Nam hơn 800.000 tấn/năm, gấn hơn 3 lần so với tổng tiêu thụ nội địa.

Thép không gỉ của Trung Quốc đang phải chịu hơn 102 lệnh áp thuế phòng vệ thương mại trên toàn thế giới, bao gồm Việt Nam. Nhưng Trung Quốc vẫn có thể duy trì được thị phần xuất khẩu thép nói chung và thép không gỉ nói riêng. Nếu Việt Nam dỡ bỏ thuế chống bán phá giá, rất khó có thể ngăn cản được làn sóng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Làm gì để chặn sóng?

Tính đến nay, Việt Nam áp dụng 12/28 vụ phòng vệ thương mại là đối với các sản phẩm thép, chiếm khoảng 46% tổng các vụ phòng vệ thương mại đã từng tiến hành đối với tất cả các loại sản phẩm ở Việt Nam. Các vụ việc chống bán phá giá sản phẩm vừa nêu luôn được Chính phủ và Hiệp hội Thép Việt Nam ủng hộ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước bị tổn thương bởi các hành vi bán phá giá của các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Và Trung Quốc luôn là quốc gia bị cáo buộc bán phá giá trong tất cả các vụ kiện chống bán phá giá thép cán nguội, tôn mạ màu, mạ kẽm hay thép không gỉ trước đây.

Ông Phạm Công Thảo, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, WTO có công cụ để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá trên thị trường hay thép nhập khẩu làm ảnh hưởng và tổn hại đến ngành công nghiệp thép trong nước. Công nghiệp sản xuất thép của Việt Nam còn khá trẻ, do vậy năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Khi thép nhập khẩu tràn vào bán phá giá trên thị trường làm tổn hại đến ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam, kìm hãm sự phát triển của ngành thép các doanh nghiệp buộc phải lựa chọn công cụ, giải pháp bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình.

“Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có các chính sách hỗ trợ cho ngành thép. Đặc biệt là các chính sách về phòng vệ thương mại. Chúng ta cũng đã có một số biện pháp phòng vệ thương mại như phôi thép, thép xây dựng, thép không gỉ, tôn mạ màu… gần đây, các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề cần áp dụng phòng vệ thương mại với một số sản phẩm mới và tiếp tục duy trì phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm như thép không gỉ”, ông Thảo cho biết.

Chia sẻ tại Talkshow "Bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thép trong thế gongj kìm" của Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), ở phần lớn trong các vụ việc phòng vệ thương mại thì các doanh nghiệp đứng đơn kiện yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là biện pháp chống bán phá giá, đã có sự chuẩn bị bài bản, có những công cụ, bằng chứng đáp ứng được các yêu cầu theo pháp luật.

“Theo sự theo dõi của chúng tôi, tất cả các vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép thì chưa có vụ nào bị từ chối áp dụng biện pháp thương mại cả. Còn mức độ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đến đâu, mức thuế như thế nào và thời gian bao nhiêu lâu phụ thuộc vào từng loại sản phẩm. Điều này căn cứ vào thực tế là các sản phẩm nhập khẩu bị kiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại mức độ cạnh tranh không lành mạnh, mức độ bán phá giá, mức độ gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa đến đâu sẽ có biện pháp tương ứng”, bà Trang cho biết.

Theo PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Thép là sản phẩm thuộc nhóm hàng hóa siêu trường, siêu trọng. Nếu tự chủ được sản xuất trong nước sẽ giúp ổn định thị trường và nền kinh tế. Doanh nghiệp trong nước có lợi thế là ở gần thị trường hơn, nếu bị bán phá giá thì sẽ mất đi lợi thế này. Việc điều tra chống bán phá giá thép sẽ làm cho kinh tế thị trường minh bạch và tích cực hơn.

Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, việc bán phá giá thép khiến các doanh nghiệp nội địa sẽ gặp khó khăn lớn, nguồn thu giảm, công ăn việc làm của người dân bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc điều tra chống bán phá giá sẽ bảo vệ sản xuất trong nước. Các biện pháp phòng vệ thương mại cũng có thể giúp loại bỏ hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu qua đó tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng trên thị trường.

Còn ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì khẳng định, ngành thép là ngành đầu vào cực kỳ quan trọng của kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh. Bản thân sự phát triển của ngành thép cũng là một ngành kinh tế. Tất cả các nước đều có sự nhìn nhận về vai trò của ngành thép là giống nhau. Chính vì sự quan trọng đó, thép cũng là nguyên nhân của các chính sách phòng vệ và bảo hộ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. 

(Nguồn: vcci.com.vn)



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang