Thứ Bẩy, 21/12/2024 19:38:09
Số lượt xem: 215
Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, trong 6 tháng đầu năm 2024 cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương (gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước) cho thấy kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,7%
Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,55%); trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,04%), đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, so với mức 50,3 điểm của tháng 5, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, đồng thời cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể. Tăng trưởng trong ngành sản xuất đã gia tăng mạnh vào cuối quý 2. Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2024 mặc dù ước tính tăng nhẹ so với tháng trước (ước tăng 0,7%) nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng tới 10,9%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo ước tăng 12,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,7%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo ước tăng 8,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%; riêng ngành khai khoáng giảm 5,5%.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng với 56/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 7 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,0%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 18,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 17,8%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 17,4%; khai thác quặng kim loại tăng 16,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 13,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,5%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 9,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 3,0%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,7%.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục khởi sắc
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,33 tỷ USD, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,76 tỷ USD, tăng 2,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Sáu ước tính tăng 10,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,3%.
Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 30,15 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,95 tỷ USD, giảm 8,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,20 tỷ USD, giảm 7,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Sáu tăng 13,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,8%.
Trong quý II/2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,7% so với quý I/2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 50,2%).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD.
Thị trường trong nước ổn định
Trong tháng 6/2024, thị trường hàng hóa không có biến động lớn, nhu cầu tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ làm mát. Nguồn cung các mặt hàng luôn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, giá tương đối ổn định, một số mặt hàng có lượng xuất, nhập khẩu lớn với thị trường nước ngoài, giá biến động theo giá thế giới. Đây cũng là thời điểm cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động thương mại diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6 ước đạt 522,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước do doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng.
Trong giai đoạn Quý I/2024, thị trường chủ yếu tập trung cho công tác phục vụ Tết, với việc chỉ đạo sớm của Chính phủ, các Bộ, địa phương và việc triển khai tích cực việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường của các doanh nghiệp, thị trường hàng hóa luôn được bình ổn, nguồn cung hàng hóa Tết đáp ứng tốt nhu cầu tăng và đa dạng của người dân.
Từ Quý II, thị trường tập trung cho việc cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn nên giá có biến động tăng. Tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến, các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá biến động theo giá thế giới. Trong quý II/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.558,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với quý trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng cao như: Quảng Ninh tăng 9,5%; Hải Phòng tăng 9,0%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hà Nội tăng 6,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,3%.
Tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao
Mặc dù các kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn. Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Đồng thời, tập trung triển khai các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án trọng điểm, tạo đà tăng trưởng công nghiệp những năm tiếp theo.
Về phát triển sản xuất: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát hoàn thiện cơ chế để phát triển sản xuất công nghiệp, năng lượng; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm; Theo dõi sát tình hình phụ tải điện và diễn biến thời tiết, thủy văn để kịp thời ứng phó theo các kịch bản đã được Bộ chủ động xây dựng cho từng Quý, từng tháng 2024; đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống để phục vụ sản xuất...
Về ổn định, phát triển thị trường trong nước: Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá.
Phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.
Phối hợp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại (tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong giai đoạn 2021-2025; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11856) về chợ kinh doanh thực phẩm…).
Ngoài ra, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu: Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-BCT ngày 02 tháng 01 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp và Thông báo số 01/TB-BCT ngày 03 tháng 01 năm 2024 của Bộ Công Thương thông báo Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTG ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chủ động, tăng cường nhập khẩu xăng dầu trong thời gian Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng định kỳ, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định; Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên; Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kế hoạch nhập khẩu, mua xăng dầu của các nhà máy Lọc dầu, dự trữ lưu thông… trong quá trình thực hiện nếu có nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ Công Thương để kịp thời có giải pháp xử lý.
Về thúc đẩy xuất nhập hàng hóa: Theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu;
Cùng với đó, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; Phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; Tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương; Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước; Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.
(Nguồn: moit.gov.vn)