Chủ Nhật, 22/12/2024 01:08:28



Tìm giải pháp để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển

14/11/2024 12:53:12

Số lượt xem: 133


Công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) - Một bộ phận của khu vực công nghiệp - xây dựng là những ngành tham gia vào việc biến đổi hàng hoá, nguyên liệu, hoặc các chất liệu khác nhau thành những sản phẩm mới. Đó là những hoạt động kinh tế với quy mô sản xuất lớn, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của tiến bộ công nghệ, khoa học và kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển.

Tìm giải pháp để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển
Trong Xưởng sản xuất của Công ty East West Industries Việt Nam (TP.Thủ Dầu Một)

Trong các phân ngành công nghiệp, công nghiệp CBCT đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Quy mô, tốc độ phát triển của ngành ảnh hưởng tới quy mô, chiều hướng và tốc độ phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, cơ cấu của ngành công nghiệp CBCT có ảnh hưởng lớn tới cơ cấu chung kinh tế của một quốc gia; đóng góp tích cực vào tốc độ tăng GDP. Đó cũng là một ngành cung cấp việc làm, thu hút nhân công, giải quyết được một số vấn đề xã hội... Trong những năm qua, một số ngành CBCT như dệt, may mặc, giày da, trang phục, chế biến nông sản… phát triển mạnh một phần chính là nhờ khả năng thu hút nhiều lao động của các ngành đó.

Thực trạng ngành CBCT của Việt Nam hiện nay

Theo các chuyên gia đánh giá, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngành công nghiệp CBCT là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây, đóng góp vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, trình độ phát triển công nghiệp CBCT hiện nay của Việt Nam còn thấp xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Bên cạnh những thành tích khiêm tốn đạt được thì khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp CBCT còn yếu so với các nước trong khu vực. Thứ hạng của một số chỉ tiêu về công nghiệp CBCT của nước ta chỉ cao hơn các nước Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, thấp hơn nhiều so với các nước Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm chưa cao; trong khi ngành công nghiệp CBCT phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới… Vấn đề đầu tư trong lĩnh vực này cũng chưa đi vào chiều sâu, việc thu hút và tận dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp CBCT còn yếu; sản xuất các sản phẩm phụ trợ còn thiếu nhiều chủng loại. Phần lớn doanh nghiệp (DN) CBCT là những DN có quy mô nhỏ, chưa chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhìn chung thấp…

 

 

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp

 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, một quốc gia mà không có công nghiệp, không thể gọi là quốc gia mạnh. Khu vực công nghiệp nói chung và ngành CBCT nói riêng không chỉ là nền tảng kinh tế quốc gia mà còn là sức hút mạnh mẽ đối với các dòng đầu tư, bao gồm đầu tư công, đầu tư tư cũng như đầu tư nước ngoài. Chúng ta thấy rằng, đầu tư nước ngoài đã tạo ra những cú hích cực mạnh cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, luôn luôn xuất siêu. Thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp CBCT thường xuyên chiếm khoảng 80-90%, hơn nữa ngành công nghiệp CBCT chiếm từ 78-80% giá trị tăng thêm của toàn bộ ngành công nghiệp. Những con số đầy thuyết phục cho thấy vai trò cực lớn của công nghiệp CBCT trong việc tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập, tạo ra thu ngân sách, tạo tăng trưởng kinh tế và tạo ra hình ảnh một Việt Nam hùng cường.

Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho ngành CBCT phát triển

Thứ nhất, về tổng thể, phải tiếp tục  duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin cho người dân, DN hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực tăng trưởng; điều hành tỷ giá phù hợp, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; khơi thông dòng vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tạo nguồn vốn cho DN khắc phục khó khăn và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh;

Thứ hai, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Tích cực rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các DN thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm…

Thứ ba, hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả; tận dụng môi trường thương mại số đã được hình thành trong thời gian qua, tích cực triển khai đồng bộ và hoàn thiện hệ thống lưu thông giữa các nhà sản xuất, thương mại và tiêu dùng nhằm đẩy nhanh hoạt động tiêu thụ cũng như kiểm soát tốt hoạt động kinh tế.

Thứ tư, bản thân các DN cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất – tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

Cùng với đó, DN cần chú trọng thực hiện một số giải pháp có tính lâu dài, như nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, phát triển thương hiệu; Đào tạo, thu hút và giữ chân nhân tài, nâng cao kỹ năng cho người lao động, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu; Áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tái chế và xử lý chất thải; Đầu tư vào công nghệ số, tự động hóa, robot, AI, IoT, Big Data, xây dựng nhà máy thông minh; Xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác với các đối tác tin cậy. Thông qua đó, các DN sẽ dễ dàng tìm đến với nhau nhiều hơn, nhằm phân bổ hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước, phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp trên toàn lãnh thổ./.

 

Nguyễn Thái



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang