Thứ Ba, 15/07/2025 07:54:43
Số lượt xem: 0
Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân (KTTN) đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới. Để hiểu rõ thêm vai trò, trách nhiệm của KTTN, Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng trích đăng trao đổi gần đây của ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với báo giới về lĩnh vực này.
Mặc dù có những bước phát triển vượt bậc, nhưng Nghị quyết 68 cũng nêu rõ, khu vực KTTN hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Hầu hết DNTN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các DN nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ.
KTTN còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với KTTN chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao.
Nghị quyết 68 được ban hành là một quyết sách mang tính chiến lược, giúp “khơi thông xa lộ” cao tốc cho khu vực KTTN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung phát triển. Nghị quyết 68 cũng đã công nhận và đặt vị thế, vai trò của KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Đây là sự thừa nhận và truyền cảm hứng cho DN, doanh nhân; đồng thời, các cơ chế để tạo điều kiện cho KTTN phát triển cũng đã được đưa ra, với những cải cách rất mạnh mẽ từ môi trường kinh doanh, cơ chế để tạo nguồn vốn, huy động nguồn lực đến phát triển nguồn nhân lực cho các DN.
Có thể nói, Nghị quyết 68 như một lệnh “mở đường” cho khu vực KTTN. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng đặt ra cho khu vực KTTN một nhiệm vụ rất lớn, đó là “trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia” vào năm 2030.
Nghị quyết nêu rõ: Đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế, 20 DN hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của KTTN đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI
Đây là điều vô cùng thách thức, để đạt được mục tiêu đó và để khu vực tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cần đẩy mạnh tinh thần thực thi, để tinh thần này được truyền tải xuống từng văn bản cụ thể. Đặc biệt, cần có sự triển khai đồng bộ, phát huy mạnh mẽ hơn, thực chất hơn và hiệu quả vai trò của cộng đồng DN và các tổ chức đại diện doanh nhân, DN trong tham gia thực hiện Nghị quyết.
Sau gần 7 năm, kể từ khi Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 về KTTN ra đời, Nghị quyết 68-NQ/TW đã nâng khu vực tư nhân lên vị thế “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”. Điều đáng chú ý nhất trong Nghị quyết 68 là cam kết bảo đảm quyền tiếp cận nguồn lực và cạnh tranh bình đẳng cho các DN.
Hơn 82% lao động làm việc trong khu vực tư nhân nhưng 70% DN nhỏ và vừa vẫn phải dựa vào tài sản thế chấp để vay vốn. Chính vì vậy, việc tháo gỡ các rào cản về đất đai, tín dụng, dữ liệu và nhân lực chất lượng cao được cộng đồng DN trông đợi nhất. Nếu các cam kết “minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế” được luật hóa trong giai đoạn 2025-2028, DN sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí tuân thủ.
Điều đặc biệt, Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ “chiếc khóa” thể chế mà còn đặt lên vai doanh nhân trách nhiệm lớn lao trong việc trở thành kiến trúc sư của mô hình tăng trưởng mới. Để xứng đáng với vị thế là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế, mỗi DN cần phải hành động ngay, minh bạch, liên kết và không ngừng đổi mới.
Các DN cần thực hiện các hành động cụ thể để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết, bao gồm việc tuân thủ và minh bạch trong các vấn đề thuế, lao động, môi trường. Cụ thể, để nhận được ưu đãi tín dụng và tham gia đấu thầu, DN cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong báo cáo tài chính và hệ thống quản trị rủi ro (môi trường, xã hội và quản trị - ESG). Đồng thời, để lọt vào nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN về công nghệ, DN cần trích ít nhất 2-3% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và tham gia các quỹ đổi mới sáng tạo địa phương.
Để xứng đáng với vị thế là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế, mỗi DN cần phải hành động ngay, minh bạch, liên kết và không ngừng đổi mới. Cụ thể, để nhận được ưu đãi tín dụng và tham gia đấu thầu, DN cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong báo cáo tài chính và hệ thống quản trị rủi ro (môi trường, xã hội và quản trị - ESG). Đồng thời, để lọt vào nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN về công nghệ, DN cần trích ít nhất 2-3% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và tham gia các quỹ đổi mới sáng tạo địa phương”.
“Nghị quyết 68-NQ/TW rất quan trọng, sẽ là “ánh sáng soi đường” để cho các DNTN phát triển. KTTN hiện nay đóng góp khoảng 50% GDP của Việt Nam, nhưng trong tương lai, như các nước, đóng góp của khu vực KTTN sẽ chiếm tới 60-70% GDP. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này khi Nghị quyết 68 khuyến khích KTTN phát triển. Cả hệ thống chính trị, DN và người dân đều xem đây như một “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế” nhằm thúc đẩy khu vực KTTN bứt phá.
Nghị quyết 68 sẽ là động lực, khai mở cánh cửa phát triển đột phá cho KTTN Việt Nam. Giờ đây, hơn bao giờ hết, cộng đồng DN hãy hành động, vận dụng chính sách, ứng dụng công nghệ và chủ động hội nhập. Hãy để tinh thần khởi nghiệp bùng lên mạnh mẽ, để mỗi DN không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn kiến tạo nền kinh tế Việt Nam hùng cường, bền vững và ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới…
PV