Thứ Hai, 05/05/2025 14:36:22
Số lượt xem: 3
Để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, cộng đồng các doanh nghiệp, trong đó phần lớn doanh nghiệp (DN) tư nhân mong mỏi các điểm nghẽn “thể chế” sẽ được nhanh chóng tháo nút, xóa bỏ mọi rào cản, trở lực đối với sự phát triển của DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp DN tư nhân phát triển nhanh, bền vững.
Nếu như trước đây, khu vực tư nhân hầu như không tham gia vào đầu tư công thì hiện tại, khu vực tư nhân đã được tham gia nhiều vào đầu tư công thông qua các đơn đặt hàng của Chính phủ dành cho các tập đoàn tư nhân. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm 30% các thủ tục hành chính không cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đây là thời điểm khu vực kinh tế tư nhân, công đồng các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) cần phải đứng lên, hành động để bứt phá.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel): Mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách thể chế và chính sách, cải thiện khung pháp lý…
Lãi suất cao và điều kiện vay vốn từ các tổ chức tài chính vẫn là rào cản lớn. Các gói tín dụng ưu đãi cho DN chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu. Các gói hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng vẫn chưa đủ nhanh và thực chất để giúp DN vượt qua khó khăn. Một số quy định về hoàn thuế VAT cho khách du lịch, chính sách ưu đãi đầu tư cho ngành Du lịch vẫn chưa được triển khai đồng bộ...
Do đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách thể chế và chính sách, cải thiện khung pháp lý, đảm bảo tính ổn định, giảm thủ tục hành chính, cải thiện khả năng tiếp cận nguồn lực cho DNTN (đất đai, tín dụng, vốn) và bảo vệ quyền lợi của DNTN thông qua các cơ chế giám sát…
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn Phú Thái: Có 3 yếu tố quan trọng mà Chính phủ và DN cần phải lưu ý là “Đột phá, tăng tốc và sự hợp lực”
“Nếu DN chậm 01 ngày có thể mất đi 03 ngày cơ hội. Đây là lúc DNTN phải thay đổi từ môi trường truyền thống sang một môi trường mới, khác biệt hoàn toàn, đòi hỏi DN phải có trình độ quốc tế. Đặc biệt, DN phải biết lựa sức mình, tập trung vào các giá trị cốt lõi của DN, không dàn trải, đa ngành khi chưa đủ nguồn lực. DN phải tăng cường hợp tác, cụ thể, nếu DN mạnh về ý tưởng, công nghệ nhưng yếu về vốn có thể hợp tác với DN mạnh về vốn nhưng yếu về công nghệ, ý tưởng… để cùng nhau nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Để kinh tế tư nhân phát triển, có 3 yếu tố quan trọng mà Chính phủ và DN cần phải lưu ý: Đột phá, tăng tốc và sự hợp lực. Sự hợp lực giữa Chính phủ, người dân và DN sẽ tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển trong thời gian tới.
Bà Đinh Thị Hà - Giám đốc Công ty Thẩm định giá VNG Việt Nam: Cần đến nỗ lực từ các bên liên quan để giúp DN tiếp cận được vốn thuận lợi hơn
DNTN vừa vừa nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Để đầu tư công nghệ, bài toán vốn bây giờ sẽ là tiền triệu USD, DN bắt buộc phải đi vay ngân hàng. Do vậy, DN vừa vừa nhỏ cần những ưu đãi về chính sách cụ thể hơn.
Mặc dù Nhà nước đề nghị các ngân hàng chia sẻ, giảm lãi suất cho người dân và DN, nhưng phía các ngân hàng đưa ra rất nhiều tiêu chí và để đáp ứng được bộ tiêu chí đó cũng không hề dễ. Vì vậy, sẽ cần thêm nỗ lực từ các bên liên quan để giúp DN tiếp cận được vốn thuận lợi hơn, phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV: Việc bỏ rào cản sẽ nhanh hơn nhiều sửa đổi chính sách
Cải cách thủ tục hành chính cũng cần phải làm quyết liệt và hiệu quả. Việc bỏ rào cản sẽ nhanh hơn nhiều sửa đổi chính sách, cụ thể là thay vì giao việc cải cách thủ tục cho từng bộ, có thể lập một cơ quan chính thức hoặc giao một Bộ trung lập, rà soát từ trên xuống dưới.
Việc ký quỹ khi nhập khẩu phế liệu giấy theo Nghị định 08 năm 2022 quy định DN cần ký quỹ bảo vệ môi trường ở mức 10-20% giá trị lô hàng, nhằm xử lý rủi ro môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu, nhưng nay phế liệu giấy không phải rác, mà là nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN nhiều năm nhập phế liệu và không phát sinh ô nhiễm, nếu bãi bỏ hoặc thay đổi quy định trên, DN sẽ có thêm nguồn lực, gia tăng hiệu quả chi phí. Từ đó, họ có nguồn lực để giảm giá sản phẩm đầu ra.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit: Đề nghị Nhà nước và địa phương có giải pháp cụ thể để tạo sức bật cho các DN, có thể bứt phá hơn
Các nhà máy sản xuất của Vinamit đã có mặt vài chục năm tại một địa phương, tuy nhiên, sau khi địa phương này lên cấp thành phố, hầu hết các DN đều không đạt được tiêu chuẩn mới về môi trường và bắt buộc phải di dời từ khu dân cư vào khu công nghiệp, trong đó có Vinamit.
Để đáp ứng chủ trương di dời, DN cần có thời gian suy xét đến nhiều yếu tố và có sự lựa chọn phù hợp. Thế nhưng, trong khoản thời gian này, Vinamit lại không được tiếp tục cấp phép về môi trường dù đã nỗ lực đáp ứng theo yêu cầu của hệ thống tiêu chuẩn mới. Từ đó dẫn đến không thể tiếp cận vốn khi ngân hàng yêu cầu có giấy phép môi trường. Do đó, Vinamit nói riêng và các DN trong ngành đề nghị Nhà nước và địa phương có giải pháp cụ thể để các DN có sức bật, có thể bứt phá hơn, đi xa hơn trên trường quốc tế.
Bà Lã Thị Lan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc: Cần đặt ra các điều kiện ràng buộc với các DN FDI về liên kết với DN trong nước
Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D), hỗ trợ DN đầu tư vào KHCN, đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ.
Khi thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), cần đặt ra các điều kiện ràng buộc với các DN FDI về liên kết với DN trong nước, chuyển giao công nghệ, giúp DN nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.Việc này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất trong nước mà còn đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và có chiều sâu…
PV