Chủ Nhật, 22/12/2024 11:58:14
Số lượt xem: 13
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và những trọng tâm ngoại giao kinh tế năm 2023, diễn ra chiều 9/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế.
Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, được tổ chức ngay sau khi Chính phủ ban hành Chương trình hành động giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Cùng dự hội nghị, tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.
Cùng dự hội nghị tại trụ sở Chính phủ và các điểm cầu có lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện và Tham tán thương mại ở nước ngoài, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có bởi những diễn biến nhanh, phức tạp của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà thường xuyên, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế nước ta đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tích cực: GDP tăng trưởng cao nhất trong 12 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát.
Nổi bật là xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng, lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác). Đây là một kết quả hết sức quan trọng, khẳng định sự hiệu quả và tiến bộ trong công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn thực hiện đường lối đối ngoại và các hoạt động ngoại giao kinh tế linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc để góp phần phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã và đang có bước tiến dài trong hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành một nền kinh tế có vai trò quan trọng, trực tiếp tham gia định hình khuôn khổ, luật lệ, chiều hướng vận động của kinh tế khu vực và thế giới; “thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cũng như triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15 ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế; từ đó đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế về hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm phù hợp với các cam kết của Việt Nam với các đối tác và thông lệ quốc tế; đồng thời, chú trọng rà soát, đánh giá thường kỳ việc thực hiện các nghị quyết, chiến lược, đề án… về hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp tăng cường hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới.
Hai là, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cam kết quốc tế, bao gồm các cam kết trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, bảo đảm sự phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai chương trình hành động thực thi các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…). Chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế với các đối tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước; đồng thời, tiếp tục triển khai đàm phán, ký kết các liên kết kinh tế mới, các cơ chế hợp tác song phương và đa phương với các nước, các khu vực còn tiềm năng gắn với lợi ích quốc gia - dân tộc.
Ba là, tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác nắm bắt, thông tin, phản ánh kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường ngoài nước để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; đồng thời, thúc đẩy kết nối thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư công nghệ cao, công nghệ lõi vào Việt Nam.
Bốn là, tăng cường định hướng, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo nguồn hàng, xây dựng thương hiệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững; đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và đưa lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài nhằm thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động, từ đó giúp cho các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hoá thương mại; tập trung tháo gỡ "rào cản" kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới, thị trường lân cận còn tiềm năng; đồng thời, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt ở các thị trường ngoài nước. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistic, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu;
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ chú trọng nâng cao năng lực công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện, tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt trong thương mại quốc tế.
Đến nay, bên cạnh việc tham gia thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với độ phủ rộng hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất thế giới, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đàm phán FTA với Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA, bao gồm 4 nước: Thụy Sỹ, Na Uy, Ai-len, Lích-ten-xtên) và FTA với I-xra-en (VIFTA). Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong 14 nước tham gia đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương. Do vậy, Bộ trưởng tin rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu hơn nữa.
Theo MOIT