Thứ Ba, 30/04/2024 07:59:24



Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu

07/12/2023 15:26:16

Số lượt xem: 1


Số liệu thống kê tại Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2023 cho thấy, cán cân thương mại trong tháng 11 tiếp tục xuất siêu khoảng 1,28 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 11 tháng năm 2023 là 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 45,82 tỷ USD. Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.

Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu
Ảnh minh họa

Với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có những tín hiệu tích cực, đã lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 10/2023 và có phần chững lại trong tháng 11 khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,88 tỷ USD, mặc dù giảm 1,4% so với tháng trước nhưng tăng tới 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước (xuất khẩu giảm 5,9%; nhập khẩu giảm 10,7%). Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD, cụ thể:

Về xuất khẩu hàng hóa

Sau khi đạt mức tăng 5,1% trong tháng 10/2023, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 11/2023 mặc dù không giữ được đà tăng trưởng so với tháng trước khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước (trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 8,49 tỷ USD, giảm 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 22,59 tỷ USD, giảm 4,1%) nhưng tăng tới 6,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 13,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 4,4%). Như vậy, trong 5 tháng gần đây (từ tháng 7/2023 đến nay), xuất khẩu hàng hoá của nước ta đều đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân 27,45 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023, cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong xuất khẩu và giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù hoạt động xuất khẩu đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng gần đây do được hỗ trợ bởi các yếu tố như hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt hơn dự kiến, hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đà phục hồi nhìn chung vẫn còn tương đối chậm và xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lấy lại đà tăng trưởng, trong khi tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ nét. Những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, cầu thế giới suy giảm, đặc biệt là từ những tháng đầu năm dẫn đến đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu chung của cả nước nên tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Với sự phục hồi trong những tháng gần đây, mức suy giảm xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp khá nhiều so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.

Trong 11 tháng năm 2023, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu:

- Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 11/2023 có phần chững lại so với tháng trước (giảm 4%) nhưng vẫn tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 26,47 tỷ USD. Nhìn chung, sự phục hồi của các mặt hàng công nghiệp chế biến có sự không đồng đều, trong đó, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tới 20,2%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,9%, dây điện và cáp điện tăng 10,2%; sắt thép các loại tăng 25,4%... trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tiếp tục giảm 11,1%, giày dép giảm 6,4%, gỗ và sản phẩm gỗ chỉ tăng nhẹ 1,6%.  

Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 274 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đến 5 trong tổng số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến suy giảm so với cùng kỳ, gồm: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 48,83 tỷ USD, giảm 11%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 39,4 tỷ USD, giảm 6,2%; hàng dệt may đạt 30,27 tỷ USD, giảm 12,7%; giày dép các loại đạt 18,2 tỷ USD, giảm 17,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,1 tỷ USD, giảm 17,6%. Chỉ có 2 mặt hàng trong tổng số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD có kim ngạch xuất khẩu tăng là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 51,42 tỷ USD, tăng 1,3%) và phương tiện vận tải và phụ tùng (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,56 tỷ USD tăng 15,6%). Như vậy, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt điện thoại các loại và linh kiện, trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

- Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tháng 11/2023 giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 3,77 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều giảm mạnh trong 11 tháng qua, gồm: dầu thô giảm 15,4%, than đá giảm 50,7%, xăng dầu giảm 7,4%, quặng và khoáng sản khác giảm 12,2%.

- Xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng 11 ước đạt gần 3 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 11 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật trong nhóm này là mặt hàng hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2022, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 11 tháng năm 2023 đạt 5,32 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là mặt hàng gạo, với lượng gạo xuất khẩu tháng 11 tăng 19,3% và kim ngạch xuất khẩu tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 11 tháng, lượng gạo xuất khẩu đạt 7,75 triệu tấn, tăng 16,2% và kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022.

 Về cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng hóa: Nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 1,4%; châu Âu giảm 6,6%; châu Mỹ giảm 12,4%; châu Phi tăng 3,7%; châu Đại dương giảm 2,7%.

Trong 11 tháng năm 2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88,05 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đồng thời, xuất siêu sang thị trường này ước đạt 75,45 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2% (là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm), chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đồng thời, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 43,65 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: EU giảm 8,1%, ước đạt 39,89 tỷ USD và xuất siêu sang EU ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 11,1%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 29,4 tỷ USD, giảm 6,2%; đồng thời, nhập siêu từ ASEAN ước đạt 8,1 tỷ USD, giảm 31,3%; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 21,5 tỷ USD, giảm 4%; đồng thời, nhập siêu từ Hàn Quốc ước đạt 26,3 tỷ USD, giảm 25,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 21,2 tỷ USD, giảm 4,3% và xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 127,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 7,3%, ước đạt 7,2 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 3,7%..., cho thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.

Về nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 10,6 tỷ USD, giảm 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,2 tỷ USD, tăng 1,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước tăng 5,1%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,6%.

Dù đã tăng trở lại trong những tháng gần đây nhưng do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất giảm nên tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 296,67 tỷ USD, vẫn giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 105,94 tỷ USD, giảm 8,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 190,73 tỷ USD, giảm 11,7%.

Trong 11 tháng năm 2023, có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,3%).

- Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu:  Một trong những điểm tích cực trong tháng 11/2023 là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng cần nhập khẩu, là mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng, đây cũng là nhóm hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước, ước đạt 26,38 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, là tín hiệu cho thấy các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu đang chuyển biến tích cực. Trong đó, nhập khẩu tăng mạnh ở một số mặt hàng như: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái; chất dẻo nguyên liệu tăng 13,6%; hóa chất tăng 7,8%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 30,7%; dược phẩm tăng tới 45,6%, dây điện và cáp điện tăng 24,9%, xơ sợi dệt các loại tăng 22,6%... Tuy nhiên, do những khó khăn về thị trường xuất khẩu, sự sụt giảm trong đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm, cùng với việc giá nguyên liệu hạ nhiệt đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt 262,6 tỷ USD). Ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,1% (ước đạt 79,2 tỷ USD), hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm tới 58,9%; thép các loại giảm 18,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 9,8%; vải các loại giảm 14%...

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát cũng giảm 17,5% trong 11 tháng năm 2023, ước đạt 16,95 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước như: rau quả, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, phế liệu sắt thép, ô tô, đá quý, kim loại quý và sản phẩm…

- Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2023: Do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9,0% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 47,8 tỷ USD, giảm 17,1%; ASEAN ước đạt 37,55 tỷ USD, giảm 13,1%; Nhật Bản ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm 8,3%; EU ước đạt 13,7 tỷ USD, giảm 1,9%; Hoa Kỳ ước đạt 12,57 tỷ USD, giảm 6,4%. 

33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 11 tỷ USD

Như vây, trong 11 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%. Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu, đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 11 tháng năm 2023 (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước). Thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đây là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.

Tuy nhiên, xuất nhập khẩu trong 11 tháng năm 2023 vẫn suy giảm (giảm 5,9%), trong khi hoạt động sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi nhẹ (tăng 1%) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do:

- Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại trong bối cảnh lạm phát cao ở các nước phát triển, nhất là ở các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc dẫn đến tổng cầu tiêu dùng thế giới sụt giảm.

- Xu hướng hàng rào bảo hộ gia tăng: tính đến tháng 11/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 238 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (132 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (48 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (35 vụ việc) và chống trợ cấp (23 vụ việc). Bên cạnh số lượng lớn vụ việc nước ngoài điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, một số thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, cũng tăng cường các hoạt động điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trong số vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, có một số vụ việc liên quan đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ.

- Các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn, là đối tác xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ do những khó khăn về phục hồi kinh tế và hàng tồn kho ở mức cao khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hoá từ các thị trường này sụt giảm: tại Trung Quốc, sản xuất và tăng trưởng kinh tế đối mặt với rủi ro lan truyền từ thị trường bất động sản sang thị trường tài chính (chỉ số PMI của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 11, đạt 49,4 điểm so với mức 49,5 của tháng 10/2023); Kinh tế Mỹ quý III mặc dù tăng 5,2% nhưng phục hồi chưa bền vững, tiềm ẩn rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 (tháng 11/2023, tổ chức xếp hạng Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”); Nền kinh tế EU tiếp tục có dấu hiệu suy thoái...

- Đà phục hồi chậm đối với xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ... Trong khi đó, giá hàng hoá xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 đi xuống, đặc biệt là đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh ở mức hai con số làm giảm tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, như: cao su giảm 14,7%, dầu thô giảm 17,4%, hạt tiêu giảm 21,3%, phân bón giảm 34,3%, sắt thép giảm 22,9%...

- Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…

Các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu 

Theo đó, trong thời gian tới, để phát triển thị trường xuất khẩu, các giải pháp sẽ được Bộ Công Thương triển khai là: 

- Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

- Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

- Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

- Tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại (PVTM) để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố thể chế về PVTM. Tích hợp công cụ PVTM vào các kế hoạch, chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất trong nước; Tiếp tục nâng cao nhận thức về các biện pháp PVTM, đặc biệt là tính chất, tác động của các biện pháp này để có cách tiếp cận phù hợp; nâng cao năng lực về PVTM để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về PVTM (Đề án 316 “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM”; Đề án 824 “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”; Đề án 1659 “Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới”; Tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả Đề án “Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại” tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của ta sang Hoa Kỳ; tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, cá nhân liên quan về pháp luật PVTM, các vụ việc điều tra PVTM.

Theo MOIT



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang