Chủ Nhật, 22/12/2024 12:23:20



Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022

01/11/2022 09:43:33

Số lượt xem: 9


Chiều ngày 29/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, cùng những vấn đề mà dư luận xã hội và báo chí quan tâm. Trong đó, nổi bật là hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại - du lịch.

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022
Ảnh minh họa

     1. Sản xuất công nghiệp

– Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Mười ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,1%), đóng góp 7,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,8%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

–  Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 25%; Hà Tĩnh giảm 15,6%).

– Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2022 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm trước.

2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

– Trong tháng Mười, cả nước có hơn 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,6% so với tháng trước và tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 3,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.058 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 38,3% và tăng 16,2%; có 4.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,3% và tăng 37,8%; có 1.602 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,7% và tăng 98,8%.

– Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 122,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,8%; bình quân một tháng có 12,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

3. Đầu tư

– Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 387,7 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% kế hoạch năm và tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 64,7% và giảm 8,3%).

– Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2022 ước tính đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.

– Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2022 có 90 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 390,1 triệu USD, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước; có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 61,9 triệu USD, giảm 85,5%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 452,1 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2022 đạt 1.464,3 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán năm và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2022 ước đạt 1.219,2 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán năm và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

5. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước đạt 486,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).

b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa

– Xuất khẩu hàng hóa

+ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

+ Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,1%.

– Nhập khẩu hàng hóa

+ Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7%.

– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 100,7 tỷ USD.

– Cán cân thương mại hàng hóa tháng Mười ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD  (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,63 tỷ USD).

c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 tăng 0,15% so với tháng trước; tăng 4,16% so với tháng 12/2021 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,14%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

– Chỉ số giá vàng tháng 10/2022 tăng 0,5% so với tháng trước; tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 6,08%.

– Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2022 tăng 1,84% so với tháng trước và tăng 5,42% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 1,17%.

d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải trong tháng Mười tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận chuyển hành khách gấp 2,7 lần và luân chuyển hành khách gấp 3,8 lần; vận chuyển hàng hóa tăng 32,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 40,1%.

Tính chung 10 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 44,9% và luân chuyển tăng 68,8% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 23,7% và luân chuyển tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.

đ) Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Mười đạt 484,4 nghìn lượt người, tăng 12,1% so với tháng trước và gấp 45,9 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 10 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2.357,2 nghìn lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 83,7% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang