Thứ Ba, 01/07/2025 12:13:52
Số lượt xem: 111
Nhằm kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1739/QĐ-BCT ngày 18/6/2025 về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị định số 139/2025/NĐ-CP và Nghị định số 146/2025/NĐ-CP; Thông báo số 145/TB-BCT ngày 18/6/2025 của Bộ Công Thương về Kế hoạch tổ chức Hội nghị tập huấn về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, ngày 27/6, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương bằng hình thức trực tuyến.
Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương là đơn vị tiên phong trong các bộ ngành, tổ chức Hội nghị tập huấn về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý nhằm trang bị kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp xã về thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền từ Trung ương về địa phương, bảo đảm chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu quả khi đi vào vận hành từ ngày 1/7 tới đây.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và xác lập rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền là yêu cầu khách quan, tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới.
Thực tiễn các quốc gia phát triển đã chứng minh để phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước thì cần bảo đảm trao nhiều hơn quyền tự chủ và trách nhiệm cho địa phương - nơi trực tiếp tiếp cận doanh nghiệp, thị trường và người dân để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở từng vùng miền, từng lĩnh vực cụ thể.
Nhận thức đúng tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quyết sách quan trọng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền khi tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 139 và Nghị định 146 ngày 12/6/2025 về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; kịp thời ban hành các Thông tư, văn bản của Bộ Công Thương để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; đồng thời, hoàn thành công bố, công khai, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia đối với 263 thủ tục hành chính đã được phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giải quyết tại các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ, cùng hệ thống phụ lục các mẫu biểu hướng dẫn cụ thể, bảo đảm đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và xác lập rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền là yêu cầu khách quan, tất yếu
“Để giúp các địa phương tiếp nhận nhanh nhất, thực hiện tốt nhất các nội dung nhiệm vụ nêu trên, Bộ Công Thương quyết định tổ chức Hội nghị này; trong đó, giao cho Thủ trưởng các đơn vị chức năng của Bộ chuẩn bị tài liệu và trực tiếp trình bày các nội dung hướng dẫn về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền và các thủ tục hành chính có liên quan trong từng lĩnh vực được phân công quản lý” - Bộ trưởng thông tin và chỉ đạo, đây là hội nghị có nội dung quan trọng, thiết thực, vì vậy lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung trình bày ngắn gọn, súc tích các nội dung cần phổ biến và dành thời gian hợp lý để hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của địa phương.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các đồng chí đại biểu tham dự trực tuyến chú ý theo dõi, tập trung nghiên cứu, tích cực trao đổi, thảo luận để nắm vững các nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công của Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân điều hành phần thảo luận, trao đổi tại Hội nghị
Lãnh đạo các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương báo cáo chuyên để theo các lĩnh vực được phân công
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Công Thương đã trực tiếp trình bày các báo cáo chuyên đề theo lĩnh vực được phân công. Các nội dung báo cáo chuyên đề tại Hội nghị bao gồm:
Một là, chuyên đề về phân quyền, phân cấp và phân định thấm quyền trong lĩnh vực hóa chất;
Hai là, chuyên đề về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực xúc tiến thương mại;
Ba là, chuyên đề về phân cấp và phân định thấm quyền thuộc lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí, kinh doanh thuốc lá, rượu, phát triển và quản lý chợ;
Bốn là, chuyên đề về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thuộc lĩnh vực kỹ thuật an toàn;
Năm là, chuyên đề về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu;
Sáu là, chuyên đề về phân cấp đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;
Bảy là, chuyên đề về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực điện lực;
Tám là, chuyên đề đối với phân cấp về định giá khí trong lĩnh vực điện lực;
Chín là, chuyên đề về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bán hàng đa cấp;
Mười là, chuyên đề về phân cấp trong lĩnh vực thương mại điện tử;
Mười một, chuyên đề về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thuộc lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, chất lượng sản phẩm hàng hóa và quản lý phát triển cụm công nghiệp;
Mười hai, chuyên đề về phân cấp và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực an toàn thực phấm, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ;
Mười ba, chuyên đề về các nội dung phân cấp thủ tục hành chính quy định tại Thông tư số 38/2025/TT-BCT ngày 19/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bố sung một số quy định về phân cấp thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Ngay sau phần báo cáo chuyên đề của các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu đã đặt câu hỏi về các lĩnh vực như: Thương mại điện tử, xuất nhập khẩu hàng hóa... Các câu hỏi được giải đáp ngay tại Hội nghị, nhiều nội dung mới được trao đổi, thảo luận; làm rõ các điểm cần lưu ý trong quá trình tổ chức thực hiện; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn bước đầu tại một số địa phương.
Đồng hành cùng chính quyền 2 cấp, phục vụ người dân, doanh nghiệp
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, biểu dương tinh thần làm việc, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong một thời gian rất ngắn nhưng đã tích cực, chủ động chuẩn bị đầy đủ nội dung chương trình, kế hoạch tập huấn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, biểu dương tinh thần làm việc, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, chủ động chuẩn bị đầy đủ nội dung chương trình, kế hoạch tập huấn
Để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, UBND các xã, phường, đặc khu chú trọng thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, đối với UBND cấp tỉnh:
2. Tập trung quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 02 ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu để chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả (nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách có hạn hoàn thành trước ngày 01/7/2025), bảo đảm thực hiện thông suốt, không gián đoạn các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
3. Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, nhân lực, ngân sách… để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; đồng thời, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp một cách có hiệu quả, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương.
4. Thiết lập và duy trì kênh thông tin hai chiều; chủ động phản ánh, kiến nghị các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thông qua đường dây nóng và các đầu mối chuyên trách của Bộ Công Thương để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đường dây nóng của Bộ sẽ hoạt động 24/7 trong tháng đầu tiên; sau đó sẽ hoạt động trong giờ hành chính để tiếp nhận, hướng dẫn hoặc chuyển thông tin kịp thời đến các đơn vị chức năng liên quan của Bộ để xem xét giải quyết.
5. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (đặc biệt là ở cấp xã), tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và toàn xã hội, góp phần hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Hai là, đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố:
1. Khẩn trương công bố danh mục các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai các thủ tục hành chính đã được phân cấp thuộc thẩm quyền của Sở tại trụ sở cơ quan; đồng thời, chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ đối với các phòng, ban chuyên môn cấp xã, nhất là các nhiệm vụ, quyền hạn mới được phân cấp, phân quyền.
2. Tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh; đồng thời, khẩn trương tham mưu trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở và của Phòng, Ban chuyên môn phụ trách lĩnh vực Công Thương cấp xã, bảo đảm phù hợp với các quy định mới của Chính phủ và của Bộ về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền khi vận hành tổ chức chính quyền 2 cấp.
3. Quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức chủ động nghiên cứu các quy định, chính sách của Nhà nước trong các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, nhất là các quy định mới về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền để hiểu rõ, nắm chắc và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền, nếu có những vướng mắc, khó khăn thì kịp thời phản ánh, kiến nghị với các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương để xem xét, tháo gỡ bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả.
Ba là, đối với UBND các xã, phường, đặc khu:
1. Niêm yết công khai các thủ tục hành chính đã được phân cấp thuộc thẩm quyền tại trụ sở làm việc của UBND cấp xã; đồng thời, tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền.
2. Khẩn trương rà soát, kiện toàn Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy chế làm việc, bảo đảm tạo thuận lợi tối đa, thông suốt, không gây gián đoạn thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 01/7/2025 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.
3. Chỉ đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã tiếp nhận các thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh và hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định tại Nghị định số 118 ngày 09/6/2025 của Chính phủ.
4. Điều chỉnh cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với đơn vị hành chính mới, bảo đảm không chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ.
5. Chú trọng phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị chức năng có liên quan tổ chức các Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để nâng cao năng lực thực thi công vụ; đồng thời, chủ động tổng hợp, phản ánh, kiến nghị với các đơn vị chuyên môn của Sở Công Thương (hoặc trực tiếp với đơn vị chức năng của Bộ theo đường dây nóng) về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, bảo đảm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, với vai trò, trách nhiệm của Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để chính quyền địa phương (ở cả cấp tỉnh và cấp xã) phát huy tối đa vai trò, năng lực, sáng kiến, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp./.
Nguồn: Moit.gov.vn