Thứ Ba, 14/01/2025 21:14:05



Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Phấn đấu tăng trưởng với chất lượng cao nhất, bền vững nhất

08/01/2025 07:22:23

Số lượt xem: 125


Chiều 7/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17, Phiên toàn thể mùa Xuân 2025.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Phấn đấu tăng trưởng với chất lượng cao nhất, bền vững nhất
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc mong muốn Diễn đàn sẽ đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp để hoàn thiện các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn; mong muốn Diễn đàn sẽ đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng hai con số như mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thông tin về một số thành tựu của năm 2024, Phó Thủ tướng cho biết, toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đặt ra đều hoàn thành. Trong đó có các con sỗ rất phấn khởi.

Cụ thể là, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%quy mô nền kinh tế khoảng 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2023; chỉ số CPI tăng 3,63% so với năm trước.

Nhấn mạnh đây là một thành công, Phó Thủ tướng tiếp tục dẫn chứng "con số xô đổ mọi kỷ lục", đó là, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 800 tỷ USD, xuất siêu 24,77 tỷ USD.

Thu ngân sách tăng 19,8% so với dự toán, đạt hơn 2 triệu tỷ đồng (tăng 336,5 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,95%...

Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán (vượt dự toán 336,5 nghìn tỷ đồng) tăng 16,2% so với thực hiện năm 2023. Theo Phó Thủ tướng, nhờ mở rộng cơ sở thu, năm nay là năm thứ 4 thu ngân sách vượt mục tiêu đề ra với tổng vượt thu khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng để nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội… Bên cạnh đó, nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng số khoảng 800 nghìn tỷ đồng.

 

 

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Chúng tôi sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến các diễn giả và đại biểu để hoàn thiện các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo đạt được hai con số. Ảnh VGP/Trần Mạnh

 

Theo Phó Thủ tướng, trong thành tích quả chung của đất nước, có sự đóng góp to lớn của các doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý. Phó Thủ tướng kỳ vọng thời gian tới, Chính phủ tiếp tục sẽ nhận được những đóng góp quý báu và thực chất của các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý trong xây dựng đất nước, xây dựng nền kinh tế nước ta phát triển bước sang kỷ nguyên mới là kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, hùng cường.

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Chính phủ đang tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Về hoàn thiện thể chể, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, đặc biệt là những tháng cuối năm 2024, đã hoàn thiện sửa đổi một số luật. Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội 1 luật sửa 4 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu); 1 luật sửa 7 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia) để tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn", phát huy nguồn lực để phát triển.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để tạo bước đột phá lớn hơn, mạnh hơn.

 

 

Về phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ đã và đang dồn nguồn lực để đầu tư. Dự kiến, năm 2025, bố trí nguồn vốn đầu tư công khoảng 800 nghìn tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung vào các công trình trọng điểm như đường cao tốc, sân bay Long Thành, chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam (khởi công năm 2027), các tuyến đường sắt cao tốc từ Trung Quốc nối về Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội, nối từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu, Kiên Giang… 

Không những tập trung vào cơ sở hạ tầng về đường sá, bến cảng, mà còn phát triển cơ sở hạ tầng về điện (điện hạt nhân, năng lượng tái tạo), khu công nghiệp, khu kinh tế…

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo; tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực một cách mạnh mẽ nhất, sát hợp nhất, theo kịp với nguồn nhân lực chất lượng cao của thế giới.

Để đột phá về khoa học, công nghệ, làm chủ công nghệ là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Chuyển giao công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp cốt lõi để làm thay đổi về bản chất của tăng trưởng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đang chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế số để hướng tới mục tiêu tăng trưởng với chất lượng cao nhất, mạnh mẽ và bền vững nhất. Do đó cần làm rõ nội hàm, các yếu tố thúc đẩy để đạt được nền kinh tế xanh, kinh tế số.

Phó Thủ tướng mong muốn, từ "hơi thở cuộc sống và yêu cầu thực tiễn đặt ra", qua diễn đàn này, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ có những phân tích, luận giải rõ hơn về những yếu tố mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là về thể chế, pháp luật, chính sách, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành.

"Chúng tôi sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến các diễn giả và đại biểu để hoàn thiện các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo đạt được hai con số", Phó Thủ tướng khẳng định.

Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17-VESF 2025 do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp tổ chức.

Với chủ đề "Cải cách - kiến tạo kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng: Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới", Diễn đàn VESF 2025 tập trung vào ba nội dung chính:

Một là, nhìn lại và đánh giá 4 năm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Hai là, xác định các điểm đột phá có tính cách mạng cần tập trung đẩy mạnh trong năm 2025, đặc biệt các cơ chế, chính sách theo hướng "khoan sức dân", "không rào cản" nhằm dấy lên sức mạnh đoàn kết và chung nỗ lực của doanh nghiệp, người dân vì mục tiêu phát triển kinh tế đất nước và thịnh vượng của dân tộc.

Ba là, phân tích, đánh giá, nhận định các chiều hướng kinh tế thế giới, Việt Nam trong năm 2025 và trung hạn 2026-2030; phân tích các xu hướng đầu tư, kinh doanh và thương mại dựa trên bối cảnh quốc tế, các cuộc cách mạng số, xanh và và thực tiễn của Việt Nam.

(Nguồn: Chinhphu.vn)



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang