Chủ Nhật, 22/12/2024 12:06:31



Thu hút FDI trước bước ngoặt lịch sử

27/06/2024 10:35:05

Số lượt xem: 214


Cùng sự thúc đẩy của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làn sóng đầu tư nước ngoài mới đang đổ bộ vào Việt Nam, đem đến cơ hội phát triển mới để doanh nghiệp và kinh tế đất nước có thể cất cánh bay cao cùng các “đại bàng”, góp phần hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng. Trong hành trình đó, cơ hội đang rất rộng mở nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải hành động nhanh và quyết liệt, bắt kịp bối cảnh đang biến chuyển rất nhanh của kinh tế thế giới.

Thu hút FDI trước bước ngoặt lịch sử
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Tuần hàng Việt Nam ở Aeon Nhật Bản (Ảnh HÀ MY)

Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987 đã mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn ngoại để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển theo hướng xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và quốc tế.

Song hành cùng các luật chuyên ngành về thu hút đầu tư, việc ký và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng có đóng góp đáng kể, tạo điều kiện cho dòng vốn ngoại ngày càng chảy mạnh vào Việt Nam.

Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu sự hội nhập toàn diện của đất nước trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã ký và thực thi 16 FTA, mở ra cơ hội lớn cho hoạt động thương mại cũng như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Điểm đến lý tưởng trong mắt nhà đầu tư

Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết, Việt Nam hiện đã ký FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga,...

Nổi bật là các FTA thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy vốn FDI từ Vương quốc Anh khởi sắc rõ nét sau khi thực thi UKVFTA, thể hiện ở sự gia tăng mạnh mẽ cả về số lượng dự án và vốn đăng ký mới.

Tính đến cuối năm 2023, Vương quốc Anh đã có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,3 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

“Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi thực thi UKVFTA, số lượng dự án và vốn đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam đã tăng gấp đôi. Rõ ràng đang có sự chú ý lớn từ phía các nhà đầu tư của Anh tới Việt Nam”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Ngô Chung Khanh chia sẻ và nhấn mạnh, thời gian gần đây, Vương quốc Anh đã đầu tư nhiều dự án lớn về năng lượng xanh tại Việt Nam, cho thấy định hướng của chính phủ hai nước trong việc thúc đẩy ngăn chặn biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng xanh, kinh tế xanh.

Chưa dừng ở đó, việc Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập CPTPP mới đây sẽ tiếp thêm động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai chiều mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Ông David Johnstone, Trưởng bộ phận thực thi FTAs, Bộ Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh đánh giá, ngoài các lợi ích rõ rệt về mặt thuế quan, CPTPP còn tạo ra những lợi ích to lớn cho cả hai nước trong việc tích hợp sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau; đồng thời, tạo thuận lợi hóa quá trình kinh doanh của doanh nghiệp hai bên và tạo ra tiềm năng tăng trưởng đột phá với viễn cảnh mở rộng hiệp định trong tương lai.

EVFTA cũng là một trong ba FTA thế hệ mới Việt Nam đang thực thi. Kể từ khi hiệp định này đi vào hiệu lực, vốn đầu tư của các quốc gia thuộc EU tại Việt Nam đã tăng từ 18 tỷ USD vào năm 2016 lên mức 28,91 tỷ USD vào năm 2023.

Báo cáo về Chỉ số Niềm tin kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam công bố cũng cho thấy sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ khi có tới 63% số doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào tốp 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý hơn nữa, 31% số doanh nghiệp xếp Việt Nam vào tốp 3, trong đó 16% số doanh nghiệp ca ngợi Việt Nam là điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI.

Tiêu điểm ngành công nghiệp Việt Nam năm 2023 do Savills công bố cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đã ký 16 FTA và đang đàm phán thêm ba FTA khác; trong đó, EVFTA đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia châu Âu.

Riêng với thị trường Mỹ, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam cho biết: Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện được kỳ vọng sẽ đưa sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ thị trường này trong thời gian tới gia tăng tích cực.

 

Sản xuất các sản phẩm dệt nhuộm tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam, Khu công nghiệp Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Chơi với những “người chơi” lớn

Ngoài việc tiếp tục tham gia đàm phán các FTA mới, từ nửa cuối năm 2023 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với ba đối tác lớn là Mỹ, Nhật Bản và Australia, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc ở nhiều nội hàm hợp tác quan trọng như khoa học-công nghệ, bán dẫn, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thế hệ mới, kinh tế xanh, kinh tế số,…

Có thể thấy, cùng với hiệu ứng từ việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, hoạt động ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại để Việt Nam mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển các ngành có thể tạo đột phá như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi năng lượng sạch.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chia sẻ: Ngoại giao kinh tế thời gian qua đã được triển khai quyết liệt, toàn diện, chuyển biến sâu sắc về chất và lượng, đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó có đóng góp vào thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao và ODA thế hệ mới, hình thành các khuôn khổ thuận lợi để thu hút nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Nổi bật có thể kể tới việc Việt Nam ký Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nguồn đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD; dự án nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới trị giá 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Lego hay Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trị giá 220 triệu USD của Tập đoàn Samsung.

Ở góc nhìn chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, những kết quả quan trọng trong công tác đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng đã góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi, ổn định cho phát triển kinh tế; thu hút các nguồn lực, thể hiện rõ nét qua những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Quá trình này còn đóng góp vào cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sức hấp dẫn, thu hút các nguồn đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Không những vậy, Việt Nam cũng đã bắt đầu “chơi với những người chơi lớn”, tham gia với vai trò chủ động hơn khi cùng bắt tay với các quốc gia khác xây dựng, thiết lập các luật chơi mới về thương mại quốc tế, các FTA thế hệ mới có chất lượng cao như CPTPP.

Rõ ràng, ngành ngoại giao đang phát huy vai trò quan trọng kết nối Việt Nam với những “người chơi lớn”, nhà đầu tư lớn trên thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi chúng ta phải hành xử linh hoạt, phản ứng nhanh để không bị chậm, lỡ cơ hội.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, ngoại giao kinh tế đã thật sự trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn ngành ngoại giao Việt Nam, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động trong các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngoại giao kinh tế đã và đang giúp các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp mở rộng không gian đa dạng để phát triển, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh biến động về địa chính trị, cách mạng công nghệ hiện nay, ông Trí khuyến nghị công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục triển khai theo các định hướng lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Đó là tập trung và cụ thể hóa vào kết quả thu hút dòng FDI chất lượng cao cho các ngành công nghệ cao; gia tăng quy mô khách du lịch quốc tế vào Việt Nam; mở rộng và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, gia tăng đơn hàng xuất khẩu cho các ngành dệt may, da giày, thủy sản, gỗ và rau củ quả, vừa bảo đảm lợi ích trước mắt, vừa tính đến lợi ích lâu dài; đẩy nhanh ký các FTA, củng cố thị phần hàng hóa Việt Nam trên các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường ngách, thị trường tiềm năng chưa được khai thác.

Những năm vừa qua, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam hoan nghênh và chào đón các nhà đầu tư quốc tế tới đầu tư trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Định hướng của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối, nhất là phục vụ các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển mạnh một số lĩnh vực mới có tính đột phá, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG

(Nguồn: nhandan.vn)



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang