Chủ Nhật, 22/12/2024 12:30:58
Số lượt xem: 10
Ngày 18/11/2022, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có cuộc tiếp và làm việc với ông Andreas Scheuer - Đại biểu Quốc hội liên bang, Cựu Bộ trưởng giao thông và Hạ tầng số liên bang Đức, Chủ tịch Hiệp hội Nhịp cầu Châu Á (Asia Bridges Association) và đại diện một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Đức.
Tại buổi gặp, hai Bên đã trao đổi khả năng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó nội dung chuyển giao tri thức, công nghệ, phát triển mô hình sản xuất bền vững gắn với tiêu dùng bền vững, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam được cả hai Bên đặc biệt quan tâm.
Cá nhân ngài Nghị sĩ bày tỏ tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam và ấn tượng về tốc độ và tiềm năng phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và cho biết sẵn sàng đóng vai trò cầu nối thúc đẩy một khuôn khổ hợp tác song phương để đưa các tiến bộ khoa học công nghệ ứng dụng vào các lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam, trong các chương trình do Nhịp cầu Châu Á sắp triển khai trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh những đóng góp của cá nhân ông Scheuer trong việc thúc đẩy hợp tác giữa CHLB Đức và Châu Á nói chung và CHLB Đức với Việt Nam nói riêng thông qua sáng kiến thành lập Hiệp hội Nhịp cầu Châu Á trên các bình diện chính trị, kinh tế, xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, hai bên cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực hợp tác để hướng tới phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững, cùng nhau định hình những chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu mới, có sức chống chịu tốt trước khủng hoảng, đồng thời, chú trọng hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, sử dụng năng lượng mới, các lĩnh vực kinh tế số với hàm lượng công nghệ cao, thương mại điện tử… Bộ trưởng hy vọng với việc CHLB Đức là nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, trong thời gian tới, hai bên có thể xem xét khả năng hợp tác phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, nhất là vật liệu, cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, hóa chất, dược phẩm...
Bộ trưởng cũng mong muốn Hiệp hội cũng như cá nhân ông Scheuer, với tư cách là Đại biểu Quốc hội Liên bang sẽ có những đề xuất, kiến nghị Quốc hội cũng như Chính phủ Liên bang những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số… cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tại CHLB Đức.
Về phần mình, ông Scheuer khẳng định, Hiệp hội là một tổ chức phi đảng phái, nhưng cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy và tăng cường quan hệ giữa Đức và Châu Á, trong đó Việt Nam là đối tác chiến lược hàng đầu tại khu vực. Cá nhân Ngài Nghị sĩ sẽ dành mọi nỗ lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - trụ cột của nền kinh tế Đức.
Cộng hòa Liên bang Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Châu Âu, chiếm 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Đối với CHLB Đức, Việt Nam là một thị trường tiềm năng và là bạn hàng quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, khi Hiệp định EVFTA Việt Nam – EU đã có hiệu lực và phát huy được hiệu quả sau 2 năm triển khai. Tính đến hết tháng 10 năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 10,6 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 7,6 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 2,96 tỷ USD, giảm nhẹ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là máy móc, thiết bị, điện thoại, giày dép, dệt may, cà phê, thủy sản... Các mặt hàng nhập khẩu chính là máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô... CHLB Đức đánh giá Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở Châu Á, tuy nhiên, đầu tư của vào Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn hai bên. Đến hết tháng 10 năm 2022, CHLB Đức có 437 dự án FDI có tổng vốn đăng ký hơn 2,34 tỷ USD, đứng thứ 18/139 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của CHLB Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm. Một số tập đoàn đa quốc gia của CHLB Đức đã đầu tư tại Việt Nam như: Daimler – Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes – Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim), Siemens... |
Nguồn: moit.gov.vn