Chủ Nhật, 05/01/2025 06:55:40
Số lượt xem: 0
Cục Công nghiệp sẽ tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp.
Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực
Trong năm 2024, Cục Công nghiệp đã cơ bản được triển khai tốt và hoàn thành kế hoạch được giao, góp phần đáng kể vào sự phát triển bền vững ngành Công Thương trong thời gian qua và trong giai đoạn tới.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp diễn ra chiều 27/12, đánh giá cao kết quả ấn tượng của Cục Công nghiệp, ông Ngô Đức Minh- Vụ trưởng Vụ pháp chế chỉ ra, năm 2024, Cục Công nghiệp có một số hoạt động liên quan đến xây dựng pháp luật chủ yếu là Luật sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm và các chiến lược, quy hoạch ngành. “Về công tác xây dựng thể chế cục Công nghiệp đã có những bước tiến dài, tạo tiền đề cho năm 2025 bứt phá. Vụ Pháp chế cam kết sang năm 2025 sẽ hỗ trợ nguồn lực về con người và thời gian để hoàn thành công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Cục Công nghiệp”- Vụ trưởng Vụ pháp chế nói.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Khắc Quyền- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho hay, năm 2024, Cục Công nghiệp đã nỗ lực góp phần quan trọng để sản xuất công nghiệp năm 2024 không chỉ phục hồi tích cực mà còn tăng trưởng mạnh mẽ.
Từ công tác xây dựng thể chế, thời gian qua Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã phối hợp cùng Cục Công nghiệp đã xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành thép, ô tô, sữa… “Trong năm 2025, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Công nghiệp đôn đốc các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội, tổ chức, cho ý kiến để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo chương trình và sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt”- ông Nguyễn Khắc Quyền chia sẻ và nhấn mạnh, năm 2025 bước "kỷ nguyên vươn mình" ngành công nghiệp đóng vai rất quan trọng trong phát triển kinh tế, đề nghị Cục Công nghiệp tham mưu cho Bộ “đi trước đón đầu” các nội dung liên quan đến công nghiệp thực hiện chủ trương này.
Dưới góc độ nghiên cứu, Tiến sĩ Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí nhấn mạnh, Viện đang tích cực tham mưu với Bộ Công Thương ở lĩnh vực cơ chế phát triển ngành công nghiệp chế tạo cho thiết bị điện gió ven bờ và điện mặt trời, điện khí. “Viện cam kết sẽ cử người tốt nhất của Viện tham gia nội dung xây dựng văn bản pháp luật nêu trên để đáp ứng chất lượng tiến độ, đồng hành cùng Cục Công nghiệp thời gian tới”- Tiến sĩ Vũ Văn Khoa cho hay.
Tăng cường phối hợp gỡ “nút thắt” về chính sách
Góp ý tại Hội nghị, ông Lương Đức Toàn- Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế tạo (Cục Công nghiệp) cho hay, thời gian tới còn nhiều việc phải làm, trong đó phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Điện lực (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam.
“Phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng việc phát triển các dòng xe chiến lược, xe thân thiện với môi trường và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”- ông Lương Đức Toàn nói.
Đồng thời, phối hợp với Vụ Pháp chế triển khai phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô.
Cũng liên quan đến nội dung này, Cục Công nghiệp sẽ triển khai công tác kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
“Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai một số dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật liên quan về đầu tư xây dựng công trình, điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô…”- ông Lương Đức Toàn nêu.
Ông Đỗ Nam Bình- Trưởng phòng Khoáng sản và luyện kim (Cục Công nghiệp) cũng nêu ý kiến, để góp phần triển khai có hiệu quả, đáp ứng mục tiêu của Quy hoạch khoáng sản, ổn định nguyên liệu và tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp, sản xuất trong nước, trong thời gian qua, đối với ngành khoáng sản, Phòng Khoáng sản, luyện kim đã tích cực nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Cục trong công tác phối hợp với Cơ quan chủ trì xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản vừa được Quốc hội thông qua để dần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, phù hợp với tình hình thực tế của ngành và sự phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh có khoáng sản.
So với Luật Khoáng sản 2010, Luật địa chất và Khoáng sản có 12 điểm mới trong đó phải kể đến một số điểm như: Phân nhóm khoáng sản; Quy định trường hợp đặc thù trong hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản tại khu vực có dự án; Quy định về khoáng sản quan trọng; Kinh tế tuần hoàn trong khai khoáng… cơ bản đáp ứng yêu cầu của ngành, phù hợp với phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.
“Trong thời gian tới, Phòng Khoáng sản luyện kim mong tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì xây dựng để tham mưu Lãnh đạo Bộ về nội dung Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Địa chất và Khoáng sản, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao”- ông Đỗ Nam Bình đề xuất.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được những điểm nhấn về mặt pháp chế, nổi bật trong số đó là Luật Điện lực sửa đổi được Quốc hội thông qua. Điều này sẽ góp phần nhiều đơn vị, doanh nghiệp vươn mình phát triển.
“Tuy nhiên, cần nâng cao công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ. Trong thời gian rà soát các nghị định, văn bản, có những quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn vì đã ban hành hơn 10 năm rồi, dẫn đến gây tốn kém, lãng phí. Do đó, thời gian tới, các đơn vị cần phải tăng cường hợp tác để gỡ các nút thắt về mặt pháp chế phát huy hiệu quả”- Thứ trưởng lưu ý.
Để thực hiện tốt hơn nữa chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và của Bộ Công Thương trong công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, Cục Công nghiệp đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, bố trí nguồn lực phù hợp và hỗ trợ Cục Công nghiệp hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong công tác xây dựng chính sách như Luật công nghiệp trọng điểm, các Nghị định, Thông tư...
Bên cạnh đó, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Đi vào chi tiết, cụ thể ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nêu, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chung về phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên để chế hóa các chủ trương mới của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi) và nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đồng thời, khẩn trương tham mưu để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí, ô tô, thép… nhằm tận dụng cơ hội thị trường rất lớn từ các ngành năng lượng và giao thông trong thời gian tới.
Tham mưu trình Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 111/2015/NĐ-CP sửa đổi.
Tiếp tục giải trình để Chính phủ thông qua Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Triển khai xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15.
“Khẩn trương đề xuất ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn mới (2025 - 2035) để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp nội địa đáp ứng các yêu cầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đón đầu các cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài mới”- ông Nguyễn Ngọc Thành nêu.
Cục Công nghiệp đã hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm. Đồng thời, đã báo cáo Lãnh đạo Bộ lấy ý kiến Bộ, ngành và đăng tải thông tin về dự thảo mới nhất của Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm để trình Chính phủ cho ý kiến. Dự kiến sẽ đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2025-2026 của Quốc hội. |