Thứ Tư, 15/01/2025 17:29:53



Bộ Công Thương đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Thương mại điện tử

03/11/2023 14:06:34

Số lượt xem: 4


Hiện nay, vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số (Kts). Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của TMĐT đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị Tập huấn đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT tại tỉnh Bình Định và tỉnh Cao Bằng.

Bộ Công Thương đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Thương mại điện tử
Các giảng viên và các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp tại Hội nghị

Cao Bằng triển khai ứng dụng TMĐT một cách có hiệu quả

Tại Hội nghị tập huấn "Kỹ năng bán hàng qua kênh thương mại điện tử" tỉnh Cao Bằng, các giảng viên đã tập trung chia sẻ các nội dung về: Thực trạng TMĐT Việt Nam và Cao Bằng, một số xu hướng bán hàng trong thời đại công nghệ số; Tổng quan về pháp luật TMĐT và một số hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực TMĐT, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động TMĐT; Thiết lập tài khoản và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam như Shopee, Lazada. Tiki, mạng xã hội Facebook, zalo...; Cách thức triển khai nội dung đa kênh để tối ưu và tiếp cận khách hàng; Công thức viết nội dung và 101 cách giật tít tiêu đề cho bài viết, Ứng dụng AI để làm nội dung; Cách thiết kế tờ rơi, banner, card visit chuyên nghiệp; Thực hành về Thiết lập tài khoản và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam, mạng xã hội Facebook, zalo; Trao đổi, Hỏi đáp...

Theo bà Đồng Thị Kiều Oanh - Giám đốc Sở Công thương Cao Bằng, trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các phần mềm và kho cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Các sở, ban, ngành và một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được trang thông tin điện tử riêng của mình, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh trên Internet và triển khai ứng dụng TMĐT một cách có hiệu quả.

Ông Võ Xuân Nam – Phụ trách đào tạo, Trung tâm Phát triển TMĐT cho biết, theo Báo cáo TMĐT Việt Nam của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2022, Cao Bằng là một trong năm tỉnh không xếp hạng về Chỉ số nguồn nhân lực và Hạ tầng công nghệ thông tin, Chỉ số về giao dịch B2C, Chỉ số về giao dịch B2B và xếp hạng chỉ số TMĐT giữa các địa phương trong cả nước. Do đó, Hội nghị tập huấn sẽ góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh hiểu rõ vai trò, lợi ích của việc ứng dụng TMĐT, cập nhật những xu hướng, ứng dụng TMĐT trong thời đại công nghệ số. Đồng thời đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, về công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động TMĐT, ông Nguyễn Tiến Luận – chuyên gia đến từ Phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT & KTS) đã giới thiệu danh mục hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt đông TMĐT tại Việt Nam, giải thích cụ thể về các chủ thể của hoạt động TMĐT, các hình thức tổ chức hoạt động TMĐT, trách nhiệm của chủ website TMĐT bán hàng, trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT; Đồng thời, trao đổi về hoạt động quản lý website TMĐT bán hàng, quản lý website cung cấp dịch vụ TMĐT, hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong TMĐT...

Giúp cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Định phát triển kinh doanh thông qua các sàn TMĐT

Hội nghị “Tập huấn kiến thức thương mại điện tử (TMĐT) cho các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp” nhằm nâng cao năng lực, hướng dẫn các kỹ năng ứng dụng TMĐT cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tại Hội nghị, Ông Lê Trung Dũng – Phụ trách vận hành nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu ECVN đã có hai bài chia sẻ liên quan tới việc ứng dụng đa dạng các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) cho chủ doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ để nâng cao năng lực cạnh tranh và Lợi ích& hướng phát triển đúng đắn của LiveCommerce, SocialCommerce, shoppertainment đối với doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử. Ông Dũng cho hay, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã cung cấp cho các doanh nghiệp trong ngành TMĐT công cụ và kỹ thuật mới để tối ưu hóa quy trình kinh doanh và nâng cao trải nghiệm người dùng. Trong đó có thể ứng dụng AI trong TMĐT như: Hỗ trợ viết content, làm hình ảnh, video phục vụ cho thương mại điện tử; Tự động hóa quy trình làm việc (xử lý hồ sơ, phân loại dữ liệu, tương tác nội bộ thông qua chatbot); Phân tích dữ liệu và dự báo về thị trường, xu hướng tiêu dùng, hành vi khách hàng…; Quản lý kho vận.

Đồng thời, cập nhật với các doanh nghiệp về các phương thức bán hàng trực tuyến hiện nay, ông Dũng đưa ra 3 cách thức mới, đó là: (1) Thương mại trực tiếp (Live Commerce hay còn gọi là Live Shopping); (2) Bán hàng trên mạng xã hội (Social Commerce); (3) Shoppertainment (là sự kết hợp giữa hai yếu tố shopper (mua sắm, người mua sắm) và entertainment (giải trí). Những phương thức bán hàng trực tuyến nói trên đã giúp các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận khách hàng; tăng độ tin cậy của khách hàng; tối ưu chi phí quảng cáo cũng như tăng doanh số bán hàng.

Liên quan đến nội dung phân tích thị trường TMĐT, ông Nguyễn Tất Hữu – Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty Cổ phần khoa học dữ liệu đã giới thiệu toàn bộ quá trình phân tích thị trường TMĐT qua các sàn giao dịch trực tuyến. Ông khẳng định tầm quan trọng của việc phân tích thị trường trên các sàn giao dịch trực tuyến, nhờ những phân tích này doanh nghiệp sẽ có được cái nhìn tổng quan nhất từ đó đưa ra định hướng phát triển đúng đắn.

Những kiến thức được chia sẻ tại Hội nghị đã được cộng đồng doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau đánh giá cao về chất lượng cũng như tính thiết thực.

Theo MOIT



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang