Thứ Tư, 15/01/2025 20:57:06



Các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương: Khẳng định năng lực trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

18/11/2022 16:14:42

Số lượt xem: 7


Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương quản lý mạng lưới các viện nghiên cứu gồm 13 đơn vị, trong đó có hai viện đã thực hiện cổ phần hóa. Đây đều là các viện nghiên cứu đầu ngành có bề dày truyền thống; có lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ tương đối độc lập, gắn với các ngành, phân ngành lĩnh vực khác nhau thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương: Khẳng định năng lực trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Tổng số lao động của các viện thuộc Bộ Công Thương và cơ cấu lao động theo chức năng. (Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ)

Tính đến tháng 5 năm 2021, tổng số lao động của các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương là 1.554 người. Tính bình quân, số lao động mỗi viện nghiên cứu là 120 lao động/viện. Trong đó, đơn vị có số lao động nhiều nhất là Viện Nghiên cứu Cơ khí với 294 người, tiếp đó là Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Luyện kim với 226 người; đơn vị có số lao động ít nhất là Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp với  41 người.

 

Trong thời gian qua, các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đóng vai trò quan trọng trong triển khai chiến lược và các chương trình khoa học và công nghệ lớn của Bộ. Đáng chú ý, rất nhiều kết quả từ các đề tài, dự án đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và được chuyển giao cho doanh nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

 

Điển hình là Viện Công nghiệp thực phẩm. Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương quản lý, Viện Công nghiệp thực phẩm đã cho ra đời nhiều sản phẩm được thương mại hóa và lưu thông trên thị trường.

 

Tiêu biểu là dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện công nghệ sản xuất maltooligosacharit giàu maltotriose sử dụng trong công nghiệp thực phẩm". Kết quả của dự án là sản phẩm đường chức năng maltooligosaccharide được sản xuất từ tinh bột sắn. Đây là loại đường được sử dụng phổ biến trong sản xuất thực phẩm, làm kem, các loại đồ uống hòa tan, nước trái cây,...Được biết, công nghệ này đã được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương (Hà Nội) và được ứng dụng tương đối rộng rãi. Bản thân Viện Công nghiệp thực phẩm hiện cũng đang sử dụng loại đường này.

 

Một dự án khác khá thành công trong sản xuất công nghiệp của Viện Công nghiệp thực phẩm đó là dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm đồ uống từ quả táo mèo". PGS. TS Vũ Nguyên Thành - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho biết, các nhà khoa học của Viện đã sử dụng giống khởi động sản xuất các sản phẩm từ quả táo mèo như rượu vang, giấm... và một số sản phẩm khác. Điểm đặc biệt của dự án này là ứng dụng công nghệ sinh học tạo được sản phẩm giá trị gia tăng tốt có nguồn nguyên liệu bản địa. Công nghệ này đã được chuyển giao cho Công ty TNHH Bắc Sơn (Sơn La) và Công ty Cổ phần Rượu bia nước giải khát AROMA (Hưng Yên). 

 

Hệ thống thiết bị sơ chế nguyên liệu, máy đóng gói và lò sấy hồng ngoại dược liệu tự động do Viện IMI chế tạo. (Ảnh: Viện IMI)

 

Trong khi đó, các nhà khoa học của Công ty Cổ phần Máy và Dụng cụ công nghiệp (Viện IMI) cũng đã chế tạo thành công dây chuyền thiết bị (gồm nhiều thiết bị thành phần) để chế biến trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây hoàn chỉnh phục vụ xuất khẩu. Đây là kết quả của dự án sản xuất thử nghiệm “Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc”.

 

Theo ông Hoàng Việt Hồng – Tổng Giám đốc Viện IMI, dây chuyền thiết bị đã được Viện IMI nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và lắp đặt cho Công ty Cổ phần Chè San tuyết (thôn Giàng B, xã suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) năm 2019 và tiếp tục được nhân rộng tại huyện Trà My của tỉnh Quảng Nam trong năm 2021.

 

“Dây chuyền này đã được chuyển giao cho sản xuất. Sản phẩm thực phẩm chức năng được tạo ra trên dây chuyền do Viện chế tạo đã được giới thiệu cho các thị trường tại châu Âu. Ngoài ra, với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại, hệ thống thiết bị chiết xuất điều khiển tự động, hệ thống đóng gói đạt tiêu chuẩn EU,…các sản phẩm thứ cấp được sản xuất trên dây chuyền này gồm sản phẩm trà táo mèo và bột dinh dưỡng chùm ngây còn được các khách hàng tại CHLB Đức chấp nhận và đánh giá cao”, TS. Hoàng Việt Hồng chia sẻ.

 

Mới đây, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) đã hoàn thành đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” thuộc Dự án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”. Sau năm năm thực hiện, các nhà khoa học Narime đã chế tạo thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW.

 

Đặc biệt, hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than được thiết kế, chế tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế với yêu cầu cao. Hiện hệ thống này đang được áp dụng rất hiệu quả ở Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa trên 51%. 

 

TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, tiếp nối thành công trong việc triển khai chương trình nội địa hóa hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Narime đang đầu tư mạnh mẽ và toàn diện cho công tác nghiên cứu nội địa hóa và làm chủ công tác nội địa hóa hệ thống thiết bị không những cho các nhà máy nhiệt điện sắp xây dựng trong thời gian tới mà còn đầu tư nghiên cứu, nâng cấp hệ thống cho các nhà máy điện đã và đang vận hành.

 

Mặc dù có phạm vi, lĩnh vực hoạt động tương đối chuyên biệt, độc lập nhưng hoạt động của các viện thuộc Bộ Công Thương đều được thực hiện theo phương châm nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn liền với nhu cầu thị trường. Nhờ đó, nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ do các viện chủ trì đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, năng lực sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

 

Nguồn: khcncongthuong.vn


 


Tin cùng danh mục:

Về đầu trang