Thứ Ba, 29/04/2025 13:54:42



Làm thế nào để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra?

23/04/2025 08:09:58

Số lượt xem: 124


Chính phủ đề ra mục tiêu là tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 và 2 con số giai đoạn 2026–2030. Vậy Việt Nam cần phải làm gì để đạt được mục tiêu đó?

Làm thế nào để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra?
Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng đẹp và hiện đại

Thứ nhất, cần tiếp tục thúc đẩy cải cách đột phá quốc gia toàn diện, đồng bộ và mạnh mẽ trên nhiều góc độ và phương diện quan trọng như thể chế kinh tế, bộ máy tổ chức, mô hình tăng trường kinh tế đột phá cho giai đoạn cách mạng mới nhằm vừa tạo ra khí thế mới, xung lực mới và xu hướng phát triển mới; vừa tạo lập các động lực mới, nền tảng nguồn lực mới và không gian phát triển của quốc gia, để phát phát vững chắc và đưa đất nước bước kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, cải cách thể chế là đột phá của đột phá.

Thứ hai, đổi mới sáng tạo là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững. Với kinh nghiệm của 40 năm đổi mới, Việt Nam đã xác định các mục tiêu phát triển đất nước cần phải bảo đảm nguyên tắc “bền vững, bao trùm, hài hòa”, bao gồm phát triển nhanh phải đi đôi với phát triển bền vững, chất lượng cao, phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với xu hướng biến đổi khí hậu.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất và đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Cần tạo môi trường pháp lý ổn định, thuận lợi và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số và xã hội số quốc gia trên nền tảng KH&CN; đổi mới sáng tạo (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật…) nhằm tạo ra không gian phát triển mới của quốc gia – kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần phải có ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để tiên phong, tạo đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển môi trường bền vững.

 

 

 

 Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings

 

Thứ tư, Việt Nam cần nhanh chóng tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế mới với trọng tâm là không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường và được hỗ trợ bởi một hệ thống nguồn lực vững chắc, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định và có tính bền vững cao. Đồng thời, chủ động sớm điều chỉnh chiến lược xuất khẩu hàng hóa dựa trên giá trị gia tăng, nâng cao giá trị nôi tại của hàng hóa, sản phẩm và giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa tự chủ sản xuất quốc gia với việc chủ động tham gia sâu rộng chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Thứ năm, Chính phủ nên có những định hướng quyết sách cải cách lớn, quyết liệt, căn cơ và phù hợp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối của nền kinh tế quốc gia. Đòi hỏi khách quan là hệ thống doanh nghiệp nhà nước phải thực sự giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm yêu cầu về cân đối lớn, định hướng chiến lược và dẫn dắt nền kinh tế…

Thứ sáu, vai trò của kinh tế tư nhân là vô cùng quan trọng, có tích chất động lực nền tảng và quyết định khả năng phát triển nền kinh tế và thường chiếm tỷ trọng hơn 70% - 90% GDP của nền kinh tế quốc gia. Khu vực kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là lực lượng nòng cốt để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực và tự cường để khai thác tốt hạ tầng năng lượng, đường sắt, cảng biển, hàng không và lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia.

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích tối đa khởi nghiệp phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước; tiếp tục nâng cao tính hấp dẫn và cạnh tranh của môi trường đầu tư nhằm thu hút các dòng vốn FDI thế hệ mới, với việc thu hút các doanh nghiệp FDI gia tăng tham gia đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm quốc gia như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và cảng biển quốc gia, công nghệ sản xuất hàng không, năng lượng hạt nhân,...

Thứ tám, Việt Nam cần chú trọng chiến lược phát triển đồng bộ, hiệu quả của 03 thị trường vốn quốc gia, bao gồm cả thị trường chứng khoán, trái phiếu và tín dụng ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu cao về các nguồn lực vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam trong năm 2025 và cả trong trung và dài hạn (giai đoạn 2026 – 2030)…

Thứ chín, Việt Nam cần chú trọng tận dụng, khai thác hiệu quả thực chất và phát huy các lợi thế về 17 FTA (bao gồm EVFTA và RCEP) đã được ký thực hiện với hơn 60 quốc gia và khối khu vực kinh tế có tiềm năng phát triển thị trường xuất nhập khẩu lớn trên thế giới trong thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục mở rộng phát triển các thị trường khác có nhiều triển vọng ở các khu vực như Trung Đông, Đông Âu, Đông Á, ASEAN, châu Phi,...

Thứ mười, cần đặc biệt chú trọng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia nhằm khích hoạt và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước. Chú trọng đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chính sách đầu tư công của Chính phủ trong thời gian tới nhằm tạo động lực phát triển và hỗ trợ tăng trưởng GDP trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Mười một, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt sớm khởi công đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia về đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt Lào cai – Hà Nội – Hải Phòng, 02 nhà máy hạt điện hạt nhân và và các dự án trọng điểm khác nhằm tạo tiền đề và bước ngoặt quan trọng của đất nước trong vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, hệ thống logistics, đảm bảo anh ninh quốc gia về năng lượng, điện và tạo không gian phát triển kinh tế mới của các vùng miền đất nước.

Mười hai, nghiên cứu hoàn thiện thể chế kinh tế, kiến tạo môi trường kinh doanh và các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhanh, toàn diện, bền vững; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách giảm lãi suất cho vay, giảm thuế phù hợp, khuyến kích và hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định và từng bước phát triển bền vững…

(Nguồn: nhadautu.vn)



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang