Thứ Ba, 17/09/2024 02:25:54



Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”

14/08/2024 11:03:25

Số lượt xem: 6


Ngày 14/8, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”.

Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”
Các khách mời tham dự tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong dòng chảy mạnh mẽ và mãnh liệt của thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số đang được xem là một trong những động lực quan trọng hàng đầu để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%.

Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế số ở từng ngành, lĩnh vực trọng tâm, trong đó, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiêu biểu, điển hình của kinh tế số.

Thực tiễn phát triển của ngành thương mại điện tử thời gian qua đã khẳng định vai trò và vị thế tiên phong của ngành trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, nhưng thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.

Đến nay, chúng ta đã đi gần hết quãng đường thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 - Giai đoạn đầu của Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.

Vậy, trong 5 năm, 10 năm tiếp theo, thương mại điện tử Việt Nam có những cơ hội nào để tiếp tục tạo ra những động lực phát triển mới cho kinh tế số. Đâu là tầm nhìn cho định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững. Các cơ hội, giải pháp để thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến và tận dụng các cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến…Đâu là cơ hội để xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường của khu vực Asean; nhưng cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm thấy các cơ hội phát triển trong thời kỳ mới? Những câu hỏi này sẽ được phân tích, mổ sẻ, luận bàn, đánh giá tại Toạ đàm "Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp…

Khách mời tọa đàm là: PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông); Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh; TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế; Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh; Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ doanh nghiệp nhỏ thành công nhờ chuyển đổi kinh tế số.

PGS.TS Trần Minh Tuấn chia sẻ một số điểm nhấn nổi bật trong việc triển khai Chiến lược kinh tế số, trong đó có kinh tế số ngành, lĩnh vực trong thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Là đại diện cơ quan được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số theo Chiến lược quốc gia, xin PGS.TS Trần Minh Tuấn có thể chia sẻ một số điểm nhấn nổi bật trong việc triển khai Chiến lược kinh tế số, trong đó có kinh tế số ngành, lĩnh vực trong thời gian qua. Vai trò của thương mại điện tử đã đóng góp cho sự phát triển của kinh tế số ngành của Việt Nam như thế nào?

PGS.TS Trần Minh Tuấn: Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và định hướng năm 2030 xác định mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trên GDP cả nước đạt khoảng 20%. Hiện nay, kinh tế số có 2 nhóm ngành lĩnh vực chính.

Kinh tế số ICT liên quan đến thiết bị công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, vĩnh thông, phần cứng và phần mềm nội dung số.

Kinh tế số ngành lĩnh vực: Toàn bộ hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực trong đó có thương mại điện tử.

Theo định hướng, đến năm 2025, kinh tế số ngành lĩnh vực đạt tối thiểu 50% kinh tế số cả nước. Chứng tỏ, vai trò của kinh tế số ngành lĩnh vực đóng góp ngày càng nhiều vào kinh tế số. Đặc biệt, thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành cái động lực chính để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Ngoài ra, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã xác định mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành những cửa hàng trực tuyến trên thương mại điện tử để tăng cường khả năng tiếp thị, quảng bá các dịch vụ của mình.

Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19. Đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ, lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn, chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Còn tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra là doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.

Không gian cho thương mại điện tử ở Việt Nam có thể đạt được mức trung bình của thế giới là rất rộng mở. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (trực tiếp là Cục Thương mại và kinh tế số) cùng thúc đẩy một chương trình chung để thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán buôn và bán lẻ là được chuyển đổi số đưa lên không gian mạng.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương để triển khai các chương trình đưa các hộ gia đình, hộ kinh doanh nông dân lên sàn. Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử nông sản có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng trên các sàn này. Hàng năm có hơn 1,1 triệu các hộ kinh doanh có doanh thu từ bán nông sản qua hình thức giao dịch thương mại điện tử. Đó là những định hướng lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy và coi thương mại điện tử là một trong những động lực lớn, quan trọng nhất để phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

TS. Võ Trí Thành: Nền kinh tế số, đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay.

Thưa TS. Võ Trí Thành, ở góc độ vĩ mô, nền kinh tế số Việt Nam dự kiến chạm mốc 45 tỷ USD vào năm 2025 nhờ sự thúc đẩy của thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2023 đã đạt đến mốc 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022. Theo ông, các hoạt động chuyển đổi số trong kinh tế đã và đang tạo ra các động lực, việc làm mới cũng như làm tăng nguồn thu và góp phần đa dạng hóa mô hình kinh tế như thế nào, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Kinh tế số, thương mại điện tử có nhiều câu chuyện, có thể mang tính chuyên môn, học thuật nhưng điều mà chúng ta thấy rõ nhất là chưa bao giờ nền kinh tế số, tức là hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số cộng với thương mại điện tử, lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay.

Thương mại điện tử đã được đề cập từ lâu nhưng kinh tế số của Việt Nam cũng chỉ  mới phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Nếu so sánh với GDP, chúng ta thường nhắc đến 2 con số. Con số thứ nhất là doanh số nhưng thật ra không chuẩn lắm mà phải nói là giá trị gia tăng mà kinh tế số, thương mại điện tử tạo ra được và đóng góp cho GDP.

Theo tính toán hiện nay, kinh tế số bao gồm 3 bộ phận. Thứ nhất liên quan nhiều đến sản xuất trang thiết bị ICT, công nghệ liên quan đến điện tử, thông tin, truyền thông. 

Nhóm thứ hai là những ngành nghề truyền thống nhưng tích hợp dữ liệu, công nghệ số vào…để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, phát triển tốt hơn.

Nhóm thứ ba gắn nhiều với đổi mới sáng tạo, những nguồn kinh doanh mới, điển hình là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up).

Quy mô kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 13-14% GDP, trong khi mục tiêu của chúng ta là  chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Điều đó cho thấy  tốc độ của đóng góp của nền kinh tế số xét về giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP của Việt Nam.

Đằng sau là tiềm năng, cơ hội vô cùng lớn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta coi chuyển đổi số, coi phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam là một nước đi sau để có thể bắt kịp, để có thể đi cùng với thời đại, với các nước.

Nói về thương mại điện tử là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế số. Đây là lĩnh vực gắn liền tốt nhất "ảo" với "thực". Đôi khi chúng ta nhìn thế giới ảo, thế giới số tách rời thế giới thực mà điều quan trọng nhất của kinh tế số chính là để cho GDP phát triển.

Đối với việc làm trực tiếp, chưa nói đến đội ngũ shipper, chúng ta hình dung riêng TPHCM có hơn 90 nghìn người kinh doanh online, tức khoảng 0,8% dân số của TPHCM. Cả nước có lẽ có hàng trăm nghìn người kinh doanh online, làm thương mại điện tử. Chưa có con số cụ thể nhưng qua đó có thể thấy đây là lĩnh vực tạo ra rất nhiều việc làm, nếu gián tiếp thì có lẽ hàng triệu.

Đóng góp cho ngân sách từ kinh tế số cũng ngày càng cao, nhất là khi chúng ta có giám sát tốt hơn đối với hoạt động thương mại điện tử. Riêng năm 2023, doanh thu của thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000 tỷ và những con số này chắc chắn trên thực tế còn cao hơn.

Ngoài kinh doanh online, nhiều sàn điện tử cũng là một phần của thương mại điện tử, một phần của bán lẻ, tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Ngoài độ hấp dẫn của Việt Nam, dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. Thương mại điện tử phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, gần tiệm cận với thành phố.

Có hai điểm tôi lưu ý vì màu hồng nào cũng đi liền với chính sách. Thứ nhất, trong quá trình phát triển này, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp, đó là một phần của quá trình phát triển nhưng cũng có thể tạo ra những tác động không mong muốn. Đây là việc chúng ta phải quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau.

Thứ hai, liên quan đến nhiều câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng làm sao để phát triển đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng. Nhưng tổng thể phải nói là thương mại điện tử đã đem lại sự phát triển vượt trội, đem lại ý nghĩa rất tích cực.

Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh (bên phải): Chúng tôi cũng đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để giúp họ cung cấp cho thị trường nội địa trước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thưa Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh, xin ông có thể giới thiệu một số nét khái quát về Shopee cũng như những đóng góp của Shopee đối với hoạt động thương mại điên tử Việt Nam thời gian qua?

Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh: Shopee hiện tại là sàn thương mại điện tử phục vụ thị trường Đông Nam Á. Hiện tại chúng tôi đã thực hiện hoạt động ở một số thị trường mới nổi khác như Nam Mỹ. Ở thị trường Việt Nam chúng tôi đã có mặt từ năm 2015 cùng thời điểm với một số nước khác. Tại những thị trường này, hiện tại chúng tôi đều là những sàn thương mại điện tử hàng đầu.

Sứ mệnh của Shopee là phục vụ cho những người tiêu dùng, cả người mua lẫn người bán, chúng tôi tiếp cận và hỗ trợ người sử dụng thương mại điện tử một cách tốt hơn, phù hợp với thị trường hiện tại.

Ở Việt Nam, chúng tôi đã và đang làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, trong số đó có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được với thương mại điện tử.

Cụ thể hơn, chúng tôi có những chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp này tiếp cận với thương mại điện tử một cách dễ dàng hơn, chúng tôi huấn luyện kỹ năng, về những công cụ, cách thức, cơ chế vận hành phù hợp với thương mại điện tử, giúp những doanh nghiệp này phát triển tốt hơn và bền vững hơn.

Những chương trình này, Shopee chúng tôi đã cùng đồng hành với các cơ quan chức năng. Ở thời điểm hiện tại chúng tôi tập trung vào hỗ trợ các nhà sản xuất nhiều hơn. Trong vòng 7-8 năm qua, chúng tôi đã làm việc với rất nhiều các nhà kinh doanh nhỏ lẻ và thấy rằng rõ ràng ở Việt Nam có những thế mạnh rất lớn về sản xuất, ví dụ như ngành may mặc, nhưng những sản phẩm này trong thị trường nội địa chưa tiếp cận được quá nhiều vì một số lý do: Hiểu biết về thị trường nội địa từ các nhà kinh doanh xuất khẩu chưa nhiều; cách tiếp cận người tiêu dùng qua thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn mới; nhu cầu và thị hiếu của thị trường Việt Nam cũng khác với thị trường xuất khẩu.

Chúng tôi cũng đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để giúp họ cung cấp cho thị trường nội địa trước. Người sản xuất cứ tập trung vào sản xuất, còn chúng tôi lo vấn đề vận hành cũng như quảng bá sản phẩm ra thị trường, và đã được những kết quả rất tốt.

Chúng tôi cũng giúp doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường khác, cụ thể ở Đông Nam Á, trong tương lai hy vọng tiếp cận các thị trường mới nhiều hơn nữa.

Chúng tôi cũng đang cố gắng có những chương trình huấn luyện, giúp cho mọi người tiếp cận những công nghệ mới, những cách tiếp cận thị trường mới như livestream, dùng những người nổi tiếng để quảng bá… hiện tại đó là những các tiếp cận mua bán tiên tiến trên thế giới. Hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam tiếp cận những cách thức thương mại tiên tiến nhất, đẩy mạnh được kinh doanh trong tương lai.

Tiếp tục cập nhật

(Nguồn: Chinhphu.vn)

 



Tin cùng danh mục:

Về đầu trang